- Theo đại diện Cục Quản lý Giá, Chính phủ và Bộ Tài chính đã tập trung vào các nhóm giải pháp như bám sát diễn biến thị trường giá cả, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đưa ra.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến giải pháp kiểm soát, điều hành giá khi ngày 1/7 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, điều hành quản lý giá là hoạt động thường xuyên, liên tục.
“Ban chỉ đạo điều hành giá cũng như Bộ Tài chính đã thường xuyên họp để đưa ra các kịch bản điều hành”, đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã chủ trì xây dựng các báo cáo về điều hành giá, đưa ra các kế hoạch, tình huống sẽ triển khai trong quá trình điều hành như tăng lương cơ sở và một số vấn đề khác.
Về giải pháp về điều hành giá, theo đại diện Cục Quản lý Giá, Chính phủ và Bộ Tài chính đã tập trung vào các nhóm giải pháp như bám sát diễn biến thị trường giá cả, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đưa ra, đặc biệt chú ý đến mặt hàng chiến lược là xăng dầu, tập trung chú ý nắm bắt tình hình; theo dõi chặt chẽ hoạt động kê khai thông báo giá, tránh việc găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, trong các giải pháp để kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng giá và hướng tới mục tiêu kiểm soát tốt hơn mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra trong năm 2023 là xuyên suốt cả năm, trong đó tính tới cả nhiệm vụ, chính sách khi từ 1/7 tăng lương cơ sở.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh tới giải pháp quan trọng cần làm tốt là truyền thông để giải quyết vấn đề tâm lý khi thời điểm tăng lương 1/7 đã cận kề, để cả xã hội, tất cả người tiêu dùng ổn định tâm lý. Bởi chính sách tăng lương cơ sở nằm trong chính sách được định trước, nên để không ảnh hưởng tâm lý, phải nhờ đến đội ngũ báo chí, cơ quan truyền thông, cơ quan làm chính sách trong đó có Bộ Tài chính, giúp làm giảm bớt những ảnh hưởng tâm lý.
"Tâm lý của người dân bị ảnh hưởng càng nhỏ càng tốt, nếu không bị ảnh hưởng thì các giải pháp về kiểm soát giá nêu trên sẽ phát huy tác dụng, giá cả ổn định, hướng tới những mục tiêu đề ra", Thứ trưởng nêu rõ.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 01/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng.
Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá
Ở diễn biến khác, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 225/TB-VPCP ngày 15/6/2023 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.
Theo đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt mục tiêu tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội; phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc chỉ đạo, giải quyết kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt;
Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong trung, dài hạn để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tự lực, tự cường, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao theo nguyên tắc "làm thật, hiệu quả thật, nhân dân hưởng thụ thật"; tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan; chủ động, sáng tạo để có giải pháp hiệu quả tận dụng cơ hội, thời cơ, đồng thời khắc phục các hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được phân công quản lý.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá.
Minh Ngọc