Mới đây, NHNN đã có đề xuất liên quan đến việc chuyển nguồn từ gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng cho miễn, giảm thuế, phí, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng.
Bởi theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước, số tiền đã hỗ trợ lãi suất từ gói này mới giải ngân chưa tới 1% do nhiều vướng mắc về điều kiện tiếp cận.
Từng nằm trong số khách hàng ít ỏi được giảm lãi vay từ gói hỗ trợ lãi suất 2%, tuy nhiên do đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiêu thụ khó khăn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị dừng hỗ trợ. Bởi theo quy định, doanh nghiệp muốn được giảm lãi 2% phải chứng minh được khả năng phục hồi, khả năng trả nợ, chưa kể phải cân đối chi phí bỏ ra để theo dõi hồ sơ, chứng từ, thủ tục hậu kiểm theo yêu cầu.
"Chúng tôi cũng là doanh nghiệp nhỏ nên nguồn vốn này thực sự chưa tiếp cận được", ông Dương Ngọc Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác HBT Việt Nam, chia sẻ.
"Tất cả các ngân hàng đều khó khăn. Mặc dù đã chỉ đạo hơn 11.000 lượt cán bộ tín dụng triển khai, nhưng tới thời điểm hiện tại mới thực hiện được 44 tỷ. Hồ sơ, thủ tục, điều kiện để khách hàng đáp ứng đầy đủ và tâm lý e ngại rất lớn", ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cho hay.
Số tiền đã hỗ trợ lãi suất từ gói hỗ trợ lãi suất 2% mới giải ngân chưa tới 1% do nhiều vướng mắc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư) |
Ngân hàng Nhà nước ước tính, nếu lũy kế đến hết năm nay, thì số số tiền hỗ trợ cũng chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,5% tổng gói 40.000 tỷ, tức là còn hơn 90% ngân sách hỗ trợ vẫn nằm trên giấy, không thể đến tay doanh nghiệp.
"Khi chuyển giảm thuế rất là dễ. Khi bán sản phẩm ra là có thể thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và gói giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 43 mang lại hiệu quả rõ nét và được đánh giá là gói giải pháp có hiệu quả nhất của năm 2022", bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho biết.
"Đó là việc cần thiết trong bối cảnh tổng cầu có xu hướng suy giảm và doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường xuất khẩu", ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Việc thu xếp nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, sự ủng hộ đồng hành của Quốc hội trong bối cảnh khó khăn chung. Do đó việc thẳng thắn nhận diện vướng mắc để sớm có giải pháp tháo gỡ là rất cấp bách, giúp đưa những nguồn lực này đem lại lợi ích thực chất cho người dân và doanh nghiệp.
Theo VTV
https://vtv.vn/kinh-te/de-xuat-chuyen-doi-goi-ho-tro-lai-suat-2-20230609203624799.htm