Fed giữ nguyên lãi suất, nhưng vẫn cảnh báo về 2 đợt nâng nữa trong năm nay. ECB vẫn có thể tiếp tục tăng lãi suất, còn Canada và Australia đã nâng trở lại sau thời gian tạm dừng.
Theo Bloomberg, nỗi lo sợ của các nhà đầu tư đang tăng lên. Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - đã báo hiệu về khả năng tăng lãi suất điều hành tổng cộng 0,5 điểm phần trăm từ giờ đến cuối năm. Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) - cũng khẳng định việc nâng thêm 0,25 điểm phần trăm là "rất có khả năng".
Các thị trường đã bắt đầu tính toán cái giá phải trả của những đợt tăng lãi suất dồn dập trên toàn cầu. Nhiều người hoài nghi về việc liệu nền kinh tế Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái hay không.
Cuộc đua tăng lãi suất
Sự quyết liệt của các ngân hàng trung ương toàn cầu trong việc kìm hãm lạm phát đang đè bẹp những nền kinh tế lớn. Nguy cơ này đang ngày càng gia tăng. Nếu kịch bản xấu xảy ra, các ngân hàng có thể phải gấp rút đảo ngược chính sách.
ECB hiểu rõ về mối đe dọa đó. Trong thế kỷ này, ngân hàng trung ương của châu Âu đã xóa bỏ các chiến dịch tăng lãi suất đến 2 lần. Tính tới thời điểm hiện tại, chúng bị coi là những sai lầm chính sách.
Một tín hiệu cảnh báo quan trọng đã xuất hiện vào thứ năm. New Zealand - quốc gia đi đầu trong cuộc đua thắt chặt chính sách trên toàn cầu - tiết lộ sản lượng kinh tế đã lao dốc trong 2 quý liên tiếp, quý IV/2022 và quý đầu năm nay.
"Các ngân hàng trung ương sẽ vẫn giữ lãi suất ở mức cao dù nền kinh tế đã suy yếu hay thậm chí bước vào một cuộc suy thoái. Nhưng những chính sách sai lầm có thể dẫn đến kết quả ngoài ý muốn", Bloomberg dẫn lời ông Charles Hepworth - Giám đốc đầu tư tại GAM Investments - nhận định.
Thị trường bất an
Lạm phát dai dẳng đang khiến các ngân hàng trung ương đau đầu. Canada và Australia vừa phải tăng lãi suất trở lại sau thời gian tạm dừng.
Fed đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6. Điều này giống với dự đoán của đa số nhà đầu tư. Nhưng cơ quan này phát đi tín hiệu về 2 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay.
Tuyên bố của Fed khiến các nhà đầu tư ngỡ ngàng. Trước đó, một số tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ không chỉ tạm ngừng, mà sẽ dừng hẳn việc tăng lãi suất và thậm chí còn cắt giảm ngay trong năm nay.
Trên thực tế, các dữ liệu kinh tế mới đây của Mỹ đã đứng về phía Fed trong cuộc chiến chống lạm phát. Theo dữ liệu chính thức, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ chỉ tăng 0,1% trong tháng 5. So với một năm trước đó, chỉ số này ghi nhận mức tăng 4%, thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Nhưng nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh, tình hình lạm phát tại Mỹ không mấy lạc quan. CPI lõi vẫn tăng 0,4% trong tháng 5 và 5,3% so với một năm trước đó.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - đã báo hiệu về khả năng tăng lãi suất điều hành tổng cộng 0,5 điểm phần trăm trong phần còn lại của năm. Ảnh: Reuters. |
Đến nay, các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ đang nghiêng về khả năng Fed nâng lãi suất điều hành lên 5,5% - mức cao nhất kể từ đầu thế kỷ này.
Đối với ECB, lãi suất điều hành có thể được nâng lên 4% vào tháng 10, đánh dấu mức cao kỳ lục.
Thị trường đang bất an. Đường cong lợi suất dốc xuống hoặc đường cong lợi suất nghịch đảo là hiện tượng bất thường. Theo đó, lợi suất của trái phiếu có kỳ hạn dài lại thấp hơn lợi suất của trái phiếu có kỳ hạn ngắn.
Điều đó cho thấy các nhà giao dịch đang nghiêng về khả năng ngân hàng trung ương phải hạ lãi suất trong những năm tới. Bởi một cuộc suy thoái kinh tế sẽ gây ra áp lực lên cầu và giá cả, từ đó hạ nhiệt lạm phát.
Theo Zing
https://zingnews.vn/cuoc-dua-lai-suat-tren-toan-cau-van-chua-ket-thuc-post1440431.html