- BVBank vừa bị Kiểm toán Nhà nước “điểm danh” trong danh sách các ngân hàng vượt room tín dụng. Thời gian này, BVBank chứng kiến nợ xấu tăng và lợi nhuận giảm sút.
Ảnh minh họa |
Vượt room tín dụng
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước vừa gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán năm 2022 chỉ ra một số tồn tại liên quan tới cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại năm 2021.
Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản quy định cụ thể về điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng với từng nhà băng. Điều này khiến một số nhà băng có mức tăng tín dụng vượt trần do Ngân hàng Nhà nước cấp. Trong đó, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) tăng tín dụng vượt trần cho phép gần 2,2%.
Cụ thể, tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của BVBank, tại ngày 31/12/2021, chỉ tiêu Dư nợ cấp tín dụng tại BVBank đạt 46.409 tỷ đồng, bằng 102% room Ngân hàng Nhà nước cho phép. Trước đó, chỉ tiêu tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho BVBank là 45.529 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2021 của BVBank, hồi cuối năm 2021, chỉ tiêu Cho vay khác hàng đạt 46.389 tỷ đồng, tăng 6.556 tỷ đồng, tương đương 16,5% so với năm 2020.
Cũng giống như nhiều đơn vị khác, BVBank có rót vốn cho các công ty có liên quan.
Cụ thể, năm 2017, BVBank ký 2 hợp đồng tín dụng với Công ty CP Bất động sản Bản Việt. Tài sản đảm bảo là các khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng cho thuê Quyền sử dụng đất ngày 04/7/2013 được ký kết giữa Văn phòng Thanh ủy thành phố Hồ Chí Minh và Công ty CP Bất động sản Bản Việt; 8.400.000 và 9.400.000 cổ phần phổ thông do Công ty CP Phát triển Bất động sản Việt Hưng phát hành.
Chỉ trong nửa đầu năm 2023, BVBank và Công ty CP Good Day Hospitality đã ký 5 hợp đồng tín dụng. Tài sản đảm bảo là máy móc thiết bị tại một số cửa hàng McDonald’s.
Trước đó, từ năm 2013, BVBank đã hàng chục lần rót vốn cho Good Day Hospitality.
Nợ có khả năng mất vốn tăng
Kể từ năm 2021, BVBank ghi nhận nợ xấu và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, nợ xấu tại BVBank đạt 1.176 tỷ đồng, tăng so với con số 1.112 tỷ đồng hồi cuối năm 2020; chiếm 2,54% tổng dư nợ tín dụng; nợ có khả năng mất vốn tăng từ 760 tỷ đồng lên 824 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, tới cuối năm 2022, nợ xấu lên tới 1.419 tỷ đồng, tăng 243 tỷ đồng, tương đương 20,7% so với năm 2021; chiếm 2,79% tổng dư nợ tín dụng; nợ có khả năng mất vốn tăng từ 824 tỷ đồng lên 862 tỷ đồng.
Hai chỉ tiêu này có dấu hiệu tăng khá mạnh trong quý đầu năm 2023.
Tại ngày 31/3/2023, BVBank ghi nhận nợ xấu đạt 1.566 tỷ đồng, chiếm 2,93% tổng dư nợ tín dụng; tăng 147 tỷ đồng, tương đương 10,4% so với cuối năm 2022.
Có thể thấy, so với thời điểm cuối năm 2020, nợ xấu của BVBank tăng 454 tỷ đồng, tương đương 40,8%; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,79% lên 2,93%.
Thu nhập giảm
Cùng với nợ xấu tăng, BVBank giảm sâu về lợi nhuận. Trong quý 1/2023, lợi nhuận sau thuế của BVBank chỉ đạt 20,3 tỷ đồng, giảm 118,5 tỷ đồng, tương đương 85,4% so với cùng kỳ.
Lãi ròng tại BVBank giảm sâu dù thu nhập lãi và các thu nhập tương tự tăng từ 1.286 tỷ đồng lên 1.671 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí lãi và các chi phí tương tự lên tới 1.385 tỷ đồng, tăng 518 tỷ đồng, tương đương 59,7% so với quý 1/2022.
Chi phí lãi tăng cao khi BVBank vẫn duy trì chính sách lãi suất thuộc top cao nhất thị trường dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước liên tục yêu cầu hệ thống ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, hồi đầu tháng 3/2023, BVBank vẫn áp dụng lãi suất huy động 9%/năm, không thay đổi nhiều so với mức 9,02% hồi cuối tháng 12/2022.
Hà Thành