Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết Pakistan phải tuân thủ một số yêu cầu nhất định, chẳng hạn như tăng thuế và đảm bảo nguồn tài trợ bên ngoài nếu như Islamabad muốn giải ngân 1,1 tỉ USD quỹ cứu trợ.
Cảng Gwadar của Pakistan. (Nguồn: pakistantoday) |
Bộ trưởng Tài chính Pakistan Ishaq Dar ngày 24/6 thông báo chính phủ nước này đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với hàng nhập khẩu.
Quyết định hạn chế nhập khẩu được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái nhằm hạn chế thâm hụt tài khoản vãng lai, một trong những mối quan tâm chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi tiến hành đợt đánh giá thứ 9 nhằm đảm bảo đợt giải ngân mới cho Pakistan.
Pakistan đang đàm phán với IMF để giải ngân các khoản vay trong gói cứu trợ trị giá 6,5 tỉ USD nhằm ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ.
IMF cho biết Pakistan phải tuân thủ một số yêu cầu nhất định, chẳng hạn như tăng thuế và đảm bảo nguồn tài trợ bên ngoài nếu như Islamabad muốn giải ngân 1,1 tỉ USD quỹ cứu trợ, một phần của gói cứu trợ nói trên đã được thống nhất vào năm 2019.
Phát biểu trước Quốc hội Pakistan, Bộ trưởng Ishaq Dar cho biết chính phủ nhất trí tăng thuế để tăng nguồn thu thêm 215 tỷ rupee (khoảng 750 triệu USD) (trong đó có tăng thuế doanh nghiệp có doanh thu cao, tăng thuế xăng..) và việc tăng thuế này sẽ không ảnh hưởng tới người nghèo.
Ông cũng cho biết số tiền trợ cấp cho người nghèo tại nước này sẽ lên tới 466 tỷ rupee so với mức 450 tỷ rupee ước tính ban đầu trong ngân sách tài khóa 2024. Chính phủ cũng sẽ cắt giảm chi tiêu khoảng 85 tỷ rupee trong tài khóa tới.
Pakistan hiện đang gánh khoản nợ nước ngoài lên tới 100 tỉ USD, Trong bối cảnh Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm sau trận lũ kinh hoàng hồi năm ngoái cùng với việc khó vực dậy tình trạng xuất khẩu và cải thiện cán cân thanh toán, Pakistan được cho sẽ là quốc gia Nam Á tiếp theo sau Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ nước ngoài.
Giống như nhiều nước có thu nhập trung bình và thấp khác, Pakistan đã bị thâm hụt thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai trong thời gian dài. Xuất khẩu chậm chạp vì những lý do bên trong và ngoài nước, trong khi nhập khẩu tăng.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nợ nước ngoài của Pakistan trong giai đoạn 2013-2018 đã tăng từ con số 60 tỉ USD lên mức 108 tỉ USD. Sau đó, các yếu tố đặc biệt như đại dịch COVID-19, tác động của cuộc chiến ở Ukraine và lũ lụt đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Thâm hụt thương mại vốn đã giảm từ con số 27 tỉ USD năm 2019 xuống còn 24 tỉ USD năm 2020 đã tăng lên mức 47 tỉ USD vào năm 2021. Đến tháng 2, dự trữ ngoại tệ của Pakistan đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ còn hơn 3 tỉ USD, không đủ để chi trả nhập khẩu hàng hóa thiết yếu trong 3 tuần.
Cuộc khủng hoảng buộc Chính phủ Pakistan phải thắt chặt nhập khẩu. Nước này đã phải hạn chế tiêu thụ nhiên liệu, dẫn tới tình trạng cắt điện trên diện rộng. Việc giảm nhập khẩu thực phẩm và nguyên liệu thô dẫn đến tình trạng thiếu hụt và gây ra lạm phát./.
(TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/bo-tai-chinh-pakistan-do-bo-tat-ca-cac-han-che-doi-voi-hang-nhap-khau/871073.vnp