Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đang thảo luận việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu kim cương của Nga và có thể khiến giá mặt hàng xa xỉ này tăng mạnh.
Sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, xuất khẩu kim cương của Nga phần lớn tránh được các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, Nga đã thu về khoảng 4,7 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng) và trở thành nước xuất khẩu kim cương lớn thứ 8 thế giới.
Dù kim cương không được giao dịch phổ biến như dầu hoặc vàng nhưng chúng đại diện cho một thị trường rộng lớn hơn. Những viên đá này cũng được sử dụng trong lĩnh vực khoan, nha khoa, máy tính và trong số sản phẩm khác.
Bỉ là một trong số những quốc gia đang mua một lượng lớn kim cương của Nga vì họ muốn có một "cách tiếp cận toàn cầu" đối với kim cương xuất khẩu của nước này. Điều này cũng giúp bảo đảm các biện pháp trừng phạt không gây tổn hại quá lớn đối với họ.
Kim cương đang chiếm đến 5% kim ngạch xuất khẩu của Bỉ và tạo ra khoảng 30.000 việc làm ở thành phố cảng Antwerp. Do đó, Bỉ có thể sẽ không chấp nhận lệnh cấm vận kim cương Nga của EU.
"Cuộc tranh luận về biện pháp trừng phạt kim cương của Nga đã diễn ra được một thời gian do lo ngại nước này chuyển hướng xuất khẩu kim cương sang các nước không tham gia lệnh trừng phạt", Edward Gardner, chuyên gia tại công ty tư vấn Capital Economics, chia sẻ. "Tuy nhiên, nếu các biện pháp trừng phạt được thực hiện và khiến Nga khó lách luật hơn thì nguồn cung kim cương từ Nga sẽ ít hơn và sẽ được đẩy lên mức cao hơn", ông nói thêm.
Châu Âu lo ngại rằng khi giá cao hơn, kim cương sẽ được chuyển hướng sang thị trường khác và không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu từ xuất khẩu của Nga.
Mỏ kim cương lớn nhất thế giới của Nga (Ảnh: Taringa). |
Hiện nay, kim cương thô của Nga chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ, nơi chúng được đánh bóng và có thể trộn lẫn với kim cương có nguồn gốc từ nơi khác để bán trở lại sang phương Tây. Do đó, G7 đang thảo luận về các biện pháp sử dụng công nghệ để truy tìm nguồn gốc ban đầu của từng viên kim cương.
Tháng 3 vừa qua, Mỹ và EU cũng cam kết sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga vì cho rằng nước này vẫn đang kiếm được hàng tỷ USD từ việc buôn bán kim cương.
Hôm 9/5, khi 27 nước của EU thảo luận về gói trừng phạt thứ 11 chống lại Nga, ông Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), không đề cập đến việc kim cương sẽ được đưa vào vòng trừng phạt này. Thay vào đó, nhóm biện pháp tiếp theo sẽ tập trung vào việc xử lý hành vi lách lệnh trừng phạt.
Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt Nga của EU chủ yếu nhắm vào dầu mỏ, than, ngân hàng, cá nhân giàu có và phương tiện truyền thông của Nga.
Hans Merket, chuyên gia của một viện nghiên cứu độc lập tại Bỉ, cho biết việc triển khai lệnh trừng phạt đối với kim cương của Nga chỉ còn là vấn đề thời gian. "Nếu kim cương của Nga chưa xuất hiện trong gói trừng phạt sắp tới của phương Tây thì có lẽ sẽ xuất hiện vào gói trừng phạt tiếp theo", ông nói.
Tobias Gehrke, chuyên gia của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho rằng ngay cả khi lệnh trừng phạt kim cương được đưa ra, Nga vẫn có đủ chi phí để duy trì cuộc chiến ở Ukraine trong nhiều năm nữa.
Theo văn phòng thống kê châu Âu, EU đã nhập khẩu khoảng 1,4 tỷ euro (khoảng 36.000 tỷ đồng) kim cương của Nga trong năm 2022.
Alrosa, công ty khai thác kim cương của Nga đã ghi nhận doanh thu bán kim cương thô và đánh bóng đạt 325 triệu USD (khoảng 7.600 tỷ đồng) trong tháng 1/2022 đồng thời nói về "nhu cầu mạnh mẽ" đối với mặt hàng này. Kể từ đó, công ty không công bố thêm về kết quả kinh doanh của mình.
Tháng 4/2022, Bộ Tài chính Mỹ đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đã áp dụng trước đó với Alrosa. Ngay sau đó, công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới này cũng bị Anh, Canada và New Zealand triển khai các biện pháp trừng phạt tương tự.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xuat-khau-kim-cuong-cua-nga-sap-gap-kho-20230513214714203.htm