- Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cấp cao, Tổ chức Tài chinh Quốc tế IFC cho rằng, bàn tới thị trường mua bán nợ là không chỉ bàn tới một thị trường đóng mà cần nói tới giải pháp một thị trường mở. Đây là điều Việt Nam cần và phải có nếu muốn xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.
Nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi), đặc biệt góp ý về các quy định liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức Hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)".
Cho phép các tổ chức hoặc cá nhân mua bán xử lý nợ xấu
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5%/tổng dư nợ - gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.
Tại hội thảo |
Trong khi đó, Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” đã đề ra mục tiêu: Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3%. Đây là mục tiêu đầy thách thức và để đạt được, đòi hỏi phải tạo hành lang pháp lý đồng bộ, mang tính đột phá và thực tiễn cho vấn đề xử lý nợ xấu.
Đóng góp ý kiến cho xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm - Dự thảo Luật TCTD sửa đổi và Kinh nghiệm Quốc tế, ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cấp cao, Tổ chức Tài chinh Quốc tế IFC cho rằng, bàn tới thị trường mua bán nợ là không chỉ bàn tới một thị trường đóng mà cần nói tới giải pháp một thị trường mở. Đây là điều Việt Nam cần và phải có nếu muốn xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Nợ xấu không xấu, nó đồng hành cùng hoạt động ngân hàng nhưng chúng ta cần một khung pháp lý để làm sạch chúng và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa.
Ông Darryl Dong chia sẻ, hiện nay, các hoạt động chuyển nhượng nợ xấu trên thị trường chủ yếu được thực hiện giữa các tổ chức tín dụng và VAMC, các khoản nợ do VAMC trực tiếp thu hồi vẫn ở mức khiêm tốn do quy mô vốn và năng lực xử lý còn hạn chế. Đây là lúc chúng ta phất cờ xử lý nợ xấu thông qua việc mở cửa thị trường. Khi Việt Nam muốn trở thành một phần của thị trường tài chính toàn cầu phải có được bảng cân đối tài sản mạnh mẽ, muốn có nguồn tín dụng cho doanh nghiệp nội địa cần mở được cánh cửa cho thị trường mua bán nợ xấu của mình.
Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cấp cao, Tổ chức Tài chinh Quốc tế IFC |
“Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị Luật TCTD sửa đổi nên vượt ra khỏi cơ chế cũ của Nghị quyết 42, mở rộng số lượng thành viên tham gia thị trường xử lý nợ xấu bằng cách cho phép các tổ chức hoặc cá nhân mua bán xử lý nợ xấu (cả trong nước và nước ngoài) cũng được hưởng cơ chế xử lý nợ xấu như các TCTD như quy định ở chương IX trong dự thảo Luật này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các công ty này trong việc xử lý nợ xấu, qua đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường nợ xấu”, ông Darryl Dong nêu.
Theo ông Darryl Dong, xử lý tài sản bảo đảm - dự thảo luật chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Điều này không đúng nguyên tắc thị trường, việc không thể xử lý tài sản bảo đảm khi bên tham gia là tổ chức phi ngân hàng, đây là một nút chặn.
Về lo ngại nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản, ông Darryl Dong cho rằng: "Không sao cả, chúng ta có thể tạo cơ chế gián tiếp để thông qua đại lý xử lý tài sản bảo đảm trong nước, yêu cầu các nhà đầu tư phải làm việc với đại diện trong nước. Điều này cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy một con đường, ngã rẽ có mục đích dành cho họ. Tất cả các khoản nợ xấu đều có thể đặt lên bàn để xử lý”.
Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực đã mở cửa thị trường để xử lý nợ xấu. Ấn Độ có luật riêng biệt về xử lý nợ xấu, ngân hàng không nhất thiết phải qua quá trình phức tạp tố tụng. Philippines còn có khuyến khích bằng tiền trong 3 năm để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu. "Nếu chúng ta cho phép điều này, xây dựng khung pháp lý hiệu quả, công bằng, nhà đầu tư sẽ tới", ông Darryl Dong nhấn mạnh.
Tăng quyền tự chủ của ngân hàng thương mại
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh cho rằng, thu giữ tài sản đảm bảo đề nghị không cần có sự đồng thuận của chủ tài sản đảm bảo nhưng ngân hàng phải thông báo cho chủ tài sản biết..
“Luật nên có quy định rõ ràng, giao ngân hàng thương mại tự chủ trong thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm. Khi phát mại tài sản bảo đảm cũng không cần có đồng thuận của chủ tài sản nhưng phải thông báo cho họ biết. Tuỳ từng trường hợp, phải có thoả thuận giữa NHTM và chủ tài sản. Cũng cần có thêm quy định thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm trong bao lâu, không phải NHTM thu hồi rồi ngâm đấy đợi giá lên mới xử lý”, ông Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.
Trong khi đó, chia sẻ về việc làm thế nào để thực hiện được quyền thu giữ tài sản, TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Tôi thích quan điểm của IFC, cần cân nhắc lại cách tiếp cận xây dựng quy định xử lý nợ cấu, bởi vướng quá nhiều luật và các bên liên quan, để thực sự phá triển thị trường nợ xấu thì cũng có nhiều bên liên quan, công cụ xử lý đa dạng và còn phát triển nên sẽ có sự chồng chéo luật và công cụ”.
Do vậy, có 2 cách xử lý, một là cân nhắc xây dựng bộ luật riêng, hai là khi tình hình nợ xấu đang căng thẳng thì trong khi chờ xây dựng bộ luật ấy thì cần có Nghị quyết mới để xử lý vấn đề trước mắt. “Tôi thiên về phương án 2, tức là ban hành nghị quyết”, TS. Võ Trí Thành cho biết.
Có một nghiên cứu cho biết, chất lượng hoạt động của hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu của Việt Nam có 3 vấn đề lớn nhất gồm: Cải tổ hệ thống tài chính; người cho vay ở Việt Nam quá thiếu quyền tài sản trong giao dịch, sau giao dịch và khi xử lý nợ xấu, khái niệm quyền tài sản bao quát hơn quyền sở hữu, tức là phải đi từ quan niệm căn cơ.
Ngoài ra, cần làm rõ tính cụ thể của quyền thu giữ tài sản, có thể là cổ phiếu, trường học, có nên phân loại các tài sản đảm bảo này để gắn với quyền thu giữ của tổ chức tín dụng không? Như vậy, bản chất ở đây là nợ xấu vẫn là tài sản, tài sản phải được đưa vào nếu không sẽ lãng phí.
Quy trình giao dịch không quá tốn kém, phải làm rõ được quyền tài sản, cuối cùng là có nhiều bài học tốt từ Philipines, Mỹ về tài sản đảm bảo. “Tôi mong muốn để xây dựng bộ luật riêng, trước hết Quốc hội cần hoàn thiện và có Nghị quyết xử lý vấn đề nợ xấu từ nay cho đến năm 2025”, TS. Võ Trí Thành nói.
Minh Ngọc