Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đang giảm dần

0
0

 - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,84% so với cùng kỳ, giảm dần so với quý I (4,18%) và 2 tháng đầu năm (4,6%); chỉ số lạm phát cơ bản 4 tháng đã chuyển biến tích cực hơn…

Ngày 5/5, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được là tích cực, nhiều chỉ tiêu của tháng 4 đã có chuyển biến, có tín hiệu và xu hướng khả quan, đạt kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, CPI tháng 4 giảm 0,34% so với tháng trước, chỉ tăng 2,81% so với cùng kỳ và có xu hướng giảm dần; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 984.000 lượt người, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần cùng kỳ 2022; cán cân thương mại duy trì xuất siêu, tháng 4 ước đạt 1,51 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu của tháng 3 (1,39 tỷ USD); chỉ số IIP ước tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ, trong đó IIP ngành chế biến, chế tạo đã có mức tăng nhẹ, 0,2% trong khi tháng 3 giảm 1,6%; đăng ký doanh nghiệp tháng 4 chuyển biến tích cực hơn với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 16.000 doanh nghiệp, nhiều hơn tháng trước 12,3% về số doanh nghiệp và 6,2% về vốn,…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Kết quả đạt được trong tháng 4 đã đóng góp quan trọng vào kết quả chung của 4 tháng đầu năm 2023.

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,84% so với cùng kỳ, giảm dần so với quý I (4,18%) và 2 tháng đầu năm (4,6%); chỉ số lạm phát cơ bản 4 tháng đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng cần tiếp tục lưu ý;

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Tính chung 4 tháng, thu NSNN ước đạt 39% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 39,5% dự toán; thặng dư thương mại (xuất siêu) ước đạt 6,35 tỷ USD (cùng kỳ đạt 2,35 tỷ USD).

Thứ hai, hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp ổn định; phòng chống tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là trong điều kiện thời tiết nồm, ẩm mùa xuân; sản lượng nuôi trồng thủy sản 4 tháng tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bước đầu có tín hiệu tốt (IIP tháng 4 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước); trong đó IIP công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,2% (2 tháng đầu năm ngành chế biến, chế tạo giảm 6,3%, tháng 3 giảm 1,6%).

Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%. Khách quốc tế đến nước ta 4 tháng ước đạt gần 3,7 triệu lượt khách, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 4 tháng đạt gần 50.000 doanh nghiệp, tăng 0,6% so với cùng kỳ.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Cơ quan nghiên cứu và phân tích EIU thuộc Tập đoàn Tư vấn Economist Group (Anh) vừa công bố bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu quý II/2023, trong đó ghi nhận Việt Nam có mức thăng hạng nhiều nhất trong số các nền kinh tế được xếp hạng (tăng 12 bậc).

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản công bố kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022, trong đó, 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới; theo báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy các doanh nghiệp châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tương lai kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, các vấn đề tồn đọng như dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém tiếp tục được tập trung tháo gỡ; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đã bước đầu có chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau gần 2 tháng ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 24,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 97% khối lượng kể từ đầu năm 2023); một số doanh nghiệp đã đàm phán với nhà đầu tư để kéo dài kỳ hạn hoặc chuyển khoản nợ sang tài sản khác. Một số dự án bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương,… đã được tháo gỡ vướng mắc kéo dài nhiều năm về tiền sử dụng đất, thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận…

Thứ tư, tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân. Tiếp tục quan tâm, chú trọng triển khai các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách; làm tốt công tác chăm lo người dân vui xuân, đón Tết; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm.

Thứ năm, các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Trong tháng, nhiều hoạt động văn hóa, chương trình nghệ thuật, chính trị, thể thao được tổ chức để chào mừng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Ngày Quốc tế lao động (01/05)… Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy tinh thần yêu nước, thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương.

Thứ sáu, ngành giáo dục tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023; rà soát biên chế giáo viên năm học 2023-2024 tại các địa phương, nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Thứ bảy, ngành y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh COVID-19, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, không để ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội; tập trung xử lý, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh lớn;...

Thứ tám, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa; xử lý nghiêm các hành vi tung tin xấu, tin giả; triệt phá đường dây vận chuyển ma túy lớn qua đường hàng không; làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, tăng cường phòng, chống cháy nổ; bảo đảm an toàn, phòng tránh tai nạn giao thông, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm giao thông, sử dụng rượu bia khi lái xe.

Thứ chín, công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, góp phần nâng cao quan hệ đối tác song phương và đa phương; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút FDI, thị trường khách du lịch quốc tế.

Về một số khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư,… oạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn.  Điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục chịu nhiều áp lực. Thị trường trong nước còn nhiều dư địa nhưng chưa được khai thác hết hiệu quả. Rủi ro dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến trái quy luật, khó dự báo... tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng tình hình trên đòi hỏi các giải pháp điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn; phát huy kết quả đã đạt được trong tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc của nền kinh tế, các thị trường; tranh thủ cơ hội, dư địa chính sách để tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi kinh tế, phát triển các nhân tố nền tảng, bền vững như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.