- Với quan điểm FDI là động lực tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Mochizuki Masashi, Giám đốc Trung tâm FDI, Khối Định chế Tài chính và Ngân hàng Giao dịch, VPBank cho biết, ngân hàng VPBank đã hợp tác với ngân hàng SMBC (Nhật Bản) xây dựng và cung cấp nhiều giải pháp nhằm hóa giải khó khăn cho doanh nghiệp FDI đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu tham luận tại phiên khai mạc Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, do Báo Đầu tư tổ chức, sáng 15/5/2023, ông Mochizuki Masashi, Giám đốc Trung tâm FDI, Khối Định chế Tài chính và Ngân hàng Giao dịch, VPBank cho biết, ông đã có khoảng 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và một nửa kinh nghiệm đó là tại Việt Nam.
Trong bài tham luận, ông Mochizuki Masashi muốn gợi ý cách đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài và chia sẻ nỗ lực của VPBank nhằm đóng góp nhiều hơn nữa cho việc mở rộng các hoạt động FDI tại Việt Nam. Qua đó, góp phần hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam nói chung và nâng cao quan hệ quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia khác.
ông Mochizuki Masashi, Giám đốc Trung tâm FDI, Khối Định chế Tài chính và Ngân hàng Giao dịch, VPBank phát biểu tại Hội thảo |
FDI là động lực tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam
Ông Mochizuki Masashi thông tin, ngày 27/4/2023, VPBank chính thức công bố về quan hệ hợp tác chuyến lược với ngân hàng SMBC, là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất ở Nhật Bản. Theo đó, hai ngân hàng này sẽ xây dựng mối cấu trúc hợp tác mạnh mẽ trong rất nhiều lĩnh vực của ngành ngân hàng. “Đặc biệt, chúng tôi tập trung phát triển FDI như một trong những điểm sáng của liên minh với hai chiến lược chủ chốt”, ông Mochizuki Masashi bật mí.
Theo đó, chiến lược chủ chốt thứ nhất là nâng cao sự kết hợp giữa hai ngân hàng. Theo ông Mochizuki Masashi, ngân hàng SMBC là một trong những ngân hàng của Nhật Bản có lịch sử lâu đời và có kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh quốc tế trên khắp thế giới, và có quan hệ chặt chẽ với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Mochizuki Masashi, mặc dù kinh nghiệm kinh doanh mảng ngân hàng ở nước ngoài chưa nhiều, nhưng VPBank đã tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường nội địa Việt Nam. “Chúng tôi tự đánh giá là một trong những ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ và phục vụ những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xét về lợi thế của hai bên, với hai bối cảnh khác nhau, VPBank và SMBC có thể bao quát những phân mảng thị trường rất khác nhau. Cộng lại, chúng tôi có thể hướng tới trở thành một nhóm ngân hàng mà bất cứ mảng nào cũng có thể được phát triển mà không cần cạnh tranh nhau”, ông Mochizuki Masashi nói.
Về giải pháp kinh doanh, ông Mochizuki Masashi cho biết, VPBank nhận thấy FDI là động lực tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. “Do đó, chúng tôi có trách nhiệm phục vụ các khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng quan hệ lâu bền, 2 bên đều thắng lợi. Để thực hiện được việc đó, VPBank cung cấp những sản phẩm giải pháp cho các doanh nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài hoạt động ở Việt Nam”, ông Mochizuki Masashi nhấn mạnh.
Theo đại diện VPBank, với nền kinh tế tăng trưởng nhanh, dân số đông, Việt Nam đã trở thành môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các đối tác mới nên cân nhắc nhảy vào thị trường Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang cân nhắc việc thúc đẩy hơn nữa việc bán hàng để nhanh chóng vượt qua những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt. Bởi, việc này sẽ mất nhiều thời gian và không dễ dàng đối với các nhà đầu tư nước ngoài để thiết lập hệ thống bán hàng của họ trong nước. Nên họ sẽ phải dựa vào đội ngũ hệ thống phân phối của các đại lý.
3 thách thức của của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Trong bối cảnh như vậy, ông Mochizuki Masashi nhận thấy hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ có 3 thách thức.
Thứ nhất, làm sao để hướng việc bán hàng thông qua quy trình bằng cách gom lại. Thứ hai, là giảm thiểu các rủi ro bởi tín dụng của người mua và thứ ba là chính sách mới thúc đẩy bán hàng.
Nhằm đưa ra giải pháp cho những vấn đề này, VPBank đã giới thiệu chương trình tài trợ quỹ cung ứng dành cho khách hàng trong mảng này. Bằng cách sử dụng chương trình này, thông qua hệ thống số, các bên có thể nhanh chóng nhận được những đơn hàng và có thể nhận biết được tình trạng bán hàng.
Theo đó, các doanh nghiệp FDI tham gia vào thị trường và hệ thống kết nối của VPBank sẽ được kết nối trước khi họ bắt đầu triển khai bán hàng thông qua các nhà phân phối cùng với bên bán hàng. Họ sẽ cung cấp các thông tin về việc bán hàng cho VPBank. Sau đó, nhà phân phối sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư nước ngoài qua VPBank. Thông qua đó, VPBank kiểm tra cơ sở bán hàng dưới những thông tin về sản phẩm theo yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài và bên phân phối.
Ông Mochizuki Masashi, Giám đốc Trung tâm FDI, Khối Định chế Tài chính và Ngân hàng Giao dịch, VPBank nhận kỷ niệm chương và hoa của báo Đầu tư cho việc hỗ trợ thúc đẩy đầu tư nước ngoài tại Việt Nam |
Còn đối với nhà sản xuất, liên quan đến nhiều nhà đầu tư FDI khác nhau, ông Mochizuki Masashi cho biết, VPBank nhận thấy môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam liên tục được cải thiện. Việt Nam sẽ tiếp tục là địa điểm hấp dẫn. Các khoản vay sẽ theo các quy trình chuẩn của ngân hàng nhưng VPBank cũng muốn kết hợp cả những sản phẩm cũ và những chương trình mới của doanh nghiệp này với việc nâng cao phúc lợi.
“Người bán hàng và người sử dụng lao động sẽ muốn duy trì trải nghiệm tốt của người lao động và cách tốt nhất để chúng ta giữ chân người lao động không phải nhất thiết là trả lương cao mà ngoài ra còn có cách khác là tiếp cận với tài chính cũng là lợi ích bổ sung với người lao động. Chúng tôi có chương trình hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động có thể có mức lãi suất cho vay ưu đãi dành cho người lao động. Đây là cách có thể thu hút lao động” - ông Mochizuki Masashi.
Theo ông Mochizuki Masashi, đây là khía cạnh rất thực tế có thể góp phần thúc đẩy các hoạt động FDI và VPBank sẵn sàng phục vụ khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi tin rằng, như vậy chúng ta sẽ cùng có tương lai tươi sáng không chỉ với lĩnh vực ngân hàng mà cả với các doanh nghiệp FDI, cũng như khách hàng và các bên liên quan.
PV