3 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất toàn ngành vượt 1 triệu tỷ đồng đều thuộc nhóm Big 4. Tổng tiền gửi tại 28 ngân hàng đến hết quý I/2023 là hơn 8,64 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm ngoái.
Theo số liệu Dân trí thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2023 của các ngân hàng, tính đến ngày 31/3/2023, BIDV tạm thời dẫn đầu toàn ngành về chỉ tiêu tiền gửi khách hàng với 1,497 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với hồi cuối năm ngoái.
2 vị trí sau là Vietcombank và VietinBank với tổng tiền gửi đến hết năm 2022 lần lượt là 1,281 triệu tỷ đồng và 1,272 triệu tỷ đồng. 2 vị trí này có sự hoán đổi với đến cuối năm ngoái, "á quân" về tiền gửi vẫn là VietinBank. Quý vừa rồi, tiền gửi tại Vietcombank tăng 3,1% còn tại VietinBank là 1,9%.
Như vậy, top 3 nhà băng hút tiền gửi mạnh nhất năm 2022 đều nằm trong Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước).
Hiện nhóm Big 4 còn Agribank chưa công bố báo cáo tài chính nhưng đến cuối năm 2022, tiền gửi tại ngân hàng này đã đạt tới 1,627 triệu tỷ đồng - cao hơn BIDV ở thời điểm quý I/2023.
Tiền gửi khách hàng tại 3 đơn vị BIDV, Vietcombank và VietinBank chiếm đến gần 50% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống tính đến hết ngày 31/3/2023, tương ứng đạt hơn 4 triệu tỷ đồng.
Các vị trí sau trong bảng xếp hạng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân. Ở nhóm này, Sacombank tiếp tục dẫn đầu với 478.789 tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tương ứng mức tăng 5,3% so với đầu năm.
Nhưng mức tăng mạnh nhất top 10 nhà băng dẫn đầu thuộc về HDBank, lên đến 15,8%. HDBank hiện đứng ở vị trí thứ 9 trong nhóm nhà băng hút mạnh tiền gửi 3 tháng đầu năm 2023, xếp sau MB (452.415 tỷ đồng), ACB (422.755 tỷ đồng), SHB (391.482 tỷ đồng), Techcombank (389.298 tỷ đồng), VPBank (331.184 tỷ đồng)... Trong đó, 3 đơn vị có mức tăng trên 8% là VPBank (9,2%), SHB (8,2%), Techcombank (8,1%)...
Một nhà băng khác không lọt top 10 nhưng có mức tăng về chỉ tiêu này so với đầu năm lên tới gần 20% là Kienlongbank với 62.234 tỷ đồng tiền gửi.
Tổng tiền gửi tại 28 ngân hàng đến hết quý I/2023 là hơn 8,64 triệu tỷ đồng (Ảnh: Mạnh Quân). |
Việc các ngân hàng tư nhân tăng tỷ trọng đóng góp trong lượng tiền gửi khách hàng một phần do các nhà băng này đã huy động với lãi suất cao hơn so với các ngân hàng Big 4. Tuy nhiên, về dài hạn, nhóm Big 4 sẽ có ưu thế khi chi phí vốn rẻ hơn so với các nhà băng nhỏ.
Đến hết quý I năm nay, có 4 ngân hàng ghi nhận chỉ tiêu tiền gửi sụt giảm. Trong đó, ABBank sụt giảm 10,3%, VietBank sụt giảm 2,6%, NCB sụt giảm 1,6% và VIB sụt giảm 0,4% ở chỉ tiêu này. Năm ngoái, không có nhà băng nào "đi lùi" tăng trưởng ở chỉ tiêu tiền gửi.
Tổng số dư tiền gửi khách hàng của 28 ngân hàng công bố báo cáo tài chính đến hết quý đầu năm đạt hơn 8,64 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2022.
Mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng có dấu hiệu "giảm nhiệt" từ cuối năm 2022 sau nhiều động thái của Ngân hàng Nhà nước. Tháng 12 năm ngoái, một số nhà băng tư nhân thậm chí đẩy lãi suất huy động lên 11-12%/năm.
Tuy nhiên, mức lãi suất trên hay mức 9%/năm với kỳ hạn 12 tháng đều đã biến mất.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ngan-hang-nao-hut-tien-gui-manh-nhat-3-thang-dau-nam-20230508075716274.htm