- Logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Chia sẻ tại Tọa đàm giới thiệu Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2023, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732.5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.
Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. “Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Tuy vậy, theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể…
Bên cạnh lợi thế, những khó khăn và thách thức đồng thời hiện hữu như chi phí dịch vụ cao, áp lực lên cơ sở hạ tầng ngày một lớn. Theo các chuyên gia, ngành Logistics vẫn rất cần phát triển kết nối hạ tầng, hợp tác công tư mở rộng thành các trung tâm Logistics và chuỗi cung ứng toàn diện về lưu thông, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối.
Ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương |
Ông Robbin Hou – Phó Chủ tịch Phòng thương mại xuất nhập khẩu Quảng Đông, không giống như chu kỳ vận chuyển hàng hóa của thương mại nói chung, logistics rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành thương mại điện tử. Theo đó, thương mại điện tử chủ yếu là kinh doanh hướng đến người tiêu dùng và người mua có yêu cầu cao về tính kịp thời của logistics, hay nói cách khác, việc chờ đợi sau khi mua sắm là một quá trình khiến người mua hàng online cảm thấy hồi hộp và lo lắng. Vì vậy, việc vận chuyển nhanh chóng, hiệu quả có thể khiến cho người tiêu dung ngày càng hài lòng đối với việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Điều này đặc biệt rõ ràng khi so sánh giữa các cửa hàng quốc tế và cửa hàng trong nước.
“Một số dữ liệu cho thấy tỷ lệ hoàn trả của các cửa hàng quốc tế cao hơn ba lần so với các cửa hàng trong nước. Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Tốc độ giao hàng của vận chuyển quốc tế quá lâu khiến người tiêu dùng mất đi niềm vui khi mua hàng và đó chính là nguyên nhân khiến người mua hoàn trả”, ông Robbin Hou chia sẻ.
Các ngành hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử chủ yếu là hàng tiêu dùng, trong đó thực phẩm chiếm tỷ trọng rất lớn. Đối với việc vận chuyển thực phẩm chắc chắn sẽ khó khăn hơn, nhiều loại thực phẩm cần giữ tươi sống phải vận chuyển qua chuỗi cung ứng lạnh, điều này càng làm thể hiện rõ tầm quan trọng của logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử. Hiện tại, cả thương mại điện tử và ngành logistics đều đang phát triển theo hướng liên kết mạng lưới Internet, trí tuệ thông minh và đáp ứng nhu cầu của con người.
Tại Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho logistics, trong đó bao gồm “Đăng cai, tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics”.
“Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2023” được tổ chức nhằm triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đặt ra. Đây là một hoạt động không thể thiếu để ngành dịch vụ logistics Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến, kết nối, giới thiệu mình với thế giới; là cơ hội lớn để các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng và các bên liên quan khác giao lưu, hợp tác, tư vấn và lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hoá quy trình logistics của doanh nghiệp.
Việc Việt Nam lần đầu tiên có một triển lãm quốc tế logistics với quy mô lớn cũng là một bước đi cần thiết, một dấu ấn đáng ghi nhận trong tiến trình hội nhập quốc tế của ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Triển lãm VILOG 2023 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 10 đến 12 tháng 8 năm 2023 với các nhóm ngành hàng và dịch vụ chính gồm: Vận tải & Giao nhận; Dịch vụ & Thiết bị kho bãi/nhà xưởng; Đóng gói & Chuỗi cung ứng lạnh; Ứng dụng công nghệ logistics.
Minh Ngọc