- Các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu kim cương của Nga đã được các nước G7 đưa ra bàn thảo trong hơn một năm qua và điều này có thể khiến giá đá quý tăng vọt trên toàn cầu, hãng tin CNBC dẫn lời các nhà phân tích cho biết.
Cho đến nay, việc nhập khẩu kim cương thô của Nga đã bị Mỹ cấm. Tuy nhiên, Washington vẫn nhập khẩu đá quý được khai thác ở Nga nếu chúng đã bị thay đổi đáng kể ở các quốc gia khác. Vương quốc Anh, Canada và New Zealand đã làm theo cách này, áp dụng các biện pháp tương tự đối với công ty khai thác khổng lồ Alrosa của Nga.
Liên minh châu Âu (EU) và G7 đang tìm kiếm những cách thức mới để nhằm mục tiêu vào hoạt động xuất khẩu kim cương của Nga. Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt được đề xuất bị phản đối mạnh mẽ bởi các nhà nhập khẩu đá quý lớn, chẳng hạn như Bỉ, nơi có trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới ở Antwerp.
Nga - nhà sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới - đã thu về khoảng 4,7 tỷ USD từ xuất khẩu đá quý, trở thành nước xuất khẩu lớn thứ tám trên toàn cầu.
Ông Edward Gardner, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, đã nói với CNBC rằng: “Cuộc tranh luận đã diễn ra được một thời gian vì có nguy cơ rõ ràng là Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu của mình sang các nước không tham gia trừng phạt. Tuy nhiên, nếu các biện pháp trừng phạt được thực hiện theo cách gây khó khăn cho việc lách luật, thì chúng ta có thể thấy nguồn cung của Nga đưa ra thị trường ít hơn và giá cao hơn”.
Những người phản đối đề xuất nói trên cũng lập luận rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mà không xây dựng một hệ thống toàn cầu để theo dõi đá quý sẽ là vô nghĩa, vì việc giao dịch có thể dễ dàng chuyển sang các thị trường khác, chẳng hạn như Ấn Độ và Trung Quốc, giống như dầu thô của Nga.
Gói trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga vì cuộc chiến ở Ukraine hiện đang được EU thảo luận không có khả năng nhằm vào kim cương của Nga.