- Xuất khẩu gạo trong năm 2022 ghi nhận tăng trưởng ở tất cả thị trường. Các thị trường tiêu thụ truyền thống và trọng điểm vẫn tiếp tục giữ vững như Philippines, Trung Quốc, khu vực châu Phi, Cuba. Lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu gạo ở kỷ lục sang thị trường Philippines ở mức 3,2 triệu tấn.
Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,46 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486,2 USD/tấn, giảm 7,7% so với mức bình quân năm 2021.
Châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2022, đạt 4,96 triệu tấn, chiếm gần 71% trong tổng lượng xuất khẩu, tăng 15,5% so với năm 2021. Châu Phi là thị trường khu vực xuất khẩu lớn thứ hai, đạt gần 1,25 triệu tấn, chiếm 17,8% tổng lượng xuất khẩu, tăng nhẹ 0,2% so với năm 2021. Đặc biệt, tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 2,45% trong tổng lượng xuất khẩu nhưng khu vực thị trường châu Âu đã có tăng trưởng mạnh mẽ lên tới 90,7% so với năm 2021, đạt 172,2 nghìn tấn (xét về lượng không lớn so với các thị trường khu vực khác nhưng giá trị gia tăng lại cao do đây là thị trường tiêu thụ các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam).
Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 cho thấy, trong năm 2022, tuy chịu nhiều tác động từ những diễn biến của thị trường thương mại gạo thế giới nhưng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường truyền thống với tỷ trọng cao vẫn đạt được tăng trưởng so với năm 2021.
Cụ thể: Thị trường Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 45,2% tổng lượng xuất khẩu và 43,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước trong năm 2022 (tương đương lượng xuất khẩu gần 3,18 triệu tấn với trị giá hơn 1,49 tỷ USD), tăng 28,8% về lượng và tăng 19% về kim ngạch so với năm 2021.
Thị trường Trung Quốc đứng thứ 2, chiếm trên 11,8% trong tổng lượng và 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam (tương đương 834,2 nghìn tấn với trị giá 432,3 triệu USD), giảm 21,3% về lượng và giảm 17,3% về kim ngạch so với năm 2021.
Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3, chiếm 9,4% trong tổng lượng và chiếm 8,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước (tương đương 657,1 nghìn tấn với trị giá 294,6 triệu USD), tăng gần 9,4% về lượng và tăng gần 35% về kim ngạch so với năm 2021.
Cũng theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022, năm 2022, thương mại gạo toàn cầu được kỳ vọng phục hồi trở lại sau dịch Covid-19 nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do yếu tố khó khăn từ các thị trường: tình trạng lạm phát gia tăng tại các khu vực tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, EU; biến động địa – chính trị giữa các nước. Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ kịp thời với sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ phía Chính phủ và các Bộ, ngành cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, xuất khẩu mặt hàng gạo ghi nhận được một số kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, xuất khẩu gạo trong năm 2022 ghi nhận tăng trưởng ở tất cả thị trường. Các thị trường tiêu thụ truyền thống và trọng điểm vẫn tiếp tục giữ vững như Philippines, Trung Quốc, khu vực châu Phi, Cuba (lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu gạo ở kỷ lục sang thị trường Philippines ở mức 3,2 triệu tấn).
Xuất khẩu gạo sang thị trường EU tăng mạnh, đạt 94.510 tấn gạo và vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo hàng năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết từ Hiệp định EVFTA.
Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính đồng thời cho thấy các thương nhân tận dụng tốt ưu đãi của Hiệp định.
Yến Nhi