- Trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Ngày 28/4/2023, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023”, với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”.
Theo thông tin tại Hội nghị, thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã khiến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2023 vừa qua chỉ đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%. Nửa đầu tháng 4/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 26 tỷ USD, giảm 15% so với nửa cuối tháng 3/2023 và giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, trong đó đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại khai thác các thị trường có FTA, khai mở thị trường mới, có tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 45 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 23,5 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù vậy, xét trong bối cảnh thương mại chung và so sánh với nhiều thị trường khác, trong quý I/2023 vừa qua, khi nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm sâu nhưng Trung Quốc – thị trường tiêu thụ chủ lực đa dạng mặt hàng của Việt Nam, gần gũi về địa lý, thuận tiện trong thông thương, vẫn là thị trường còn nhiều điểm sáng, nhiều dư địa, dự báo với nhiều kỳ vọng cho các đơn hàng trong những quý tiếp theo.
Tuy nhiên, với nhiều chủ trương, chính sách mới trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “Zero-covid” sau một thời gian dài hạn chế giao thương và mở cửa trở lại từ hồi đầu năm nay, thị trường gần 1,5 tỷ dân này không còn “dễ tính” trong nhập khẩu đối với đa dạng các mặt hàng, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm.
Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc cũng rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa. Điều này đòi hỏi các cơ quan, lực lượng chức năng của Việt Nam và các doanh nghiệp cần nắm bắt rõ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này.
Yến Nhi