Gần 2.400 thửa đất liên quan ở Cam Lâm được giao dịch trở lại; TP HCM có 7.600 căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận; Đà Nẵng xử lý việc “xẻ” nhà ở riêng lẻ thành 35 căn hộ mini bán trái phép; Xử phạt 12 chủ đầu tư “om” quỹ bảo trì chung cư hơn 13 tỷ đồng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý tuần qua.
iảm lãi suất để thúc đẩy khách hàng tham gia thị trường bất động sản
Mới đây, ông Phạm Lâm, Chủ tịch Tập đoàn DKRA Việt Nam nhìn nhận, nguồn cung và số lượng giao dịch rất hạn chế dù các doanh nghiệp BĐS đưa ra nhiều chương trình chiết khấu, giảm giá, thanh toán chậm. Thậm chí có dự án chiết khấu, giảm giá đến 40% nhưng cũng khó bán hàng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Hiện nay, thị trường BĐS cần quan tâm nhất là việc củng cố niềm tin cho người mua. Trước đây, có gói 30.000 tỷ đồng có độ lan tỏa giúp thị trường BĐS hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay gói 120.000 tỷ đồng tuy đã có nhưng khó tiếp cận vì lãi suất còn cao so với thu nhập của người dân.
Vì vậy, vị Chủ tịch của DKRA cho rằng, cần giảm lãi suất về mức 5-6% cho cả nhà ở xã hội và nhà thương mại để thúc đẩy khách hàng tham gia thị trường.
"Hiện nay hàng tồn kho rất nhiều, nhiều dự án đủ điều kiện bán hàng nhưng không bán được bởi người mua mất niềm tin. Do đó, cần làm sao để khách hàng tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp, giúp thị trường vận động thì mới khơi thông được", ông Lam cho hay.
Số liệu của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, tổng lượng tồn kho BĐS trong quý I/2023 vào khoảng 18.808 căn, nền (bao gồm chung cư, riêng lẻ, đất nền). Trong đó, chung cư có 2.572 căn; nhà ở riêng lẻ 9.123 căn và đất nền có 7.113 nền. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở loại bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch nhận định, chưa bao giờ Chính phủ và các địa phương thể hiện nỗ lực phục hồi, củng cố thị trường BĐS như hiện nay. Tuy nhiên, không thể sửa luật theo kiểu từng luật mà phải sửa toàn bộ hệ thống pháp luật, để điều chỉnh thị trường.
"Luật tài chính, tín dụng, trái phiếu, kinh doanh BĐS, nhà ở... đang chồng chéo, phải đặt trên tổng thể sửa trên hệ thống. Nếu làm từng cái thì gỡ được cái này lại vướng cái khác", ông Lịch nêu quan điểm và cho rằng, đây cũng là cơ hội để củng cố, phát triển bền vững thị trường BĐS, tránh tình trạng đầu năm phục hồi rồi cuối năm lại lo phục hồi tiếp.
Khánh Hòa: Gần 2.400 thửa đất liên quan ở Cam Lâm được giao dịch trở lại
UBND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, vừa quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký biến động đối với 114 khu đất có sai phạm liên quan kết luận của cơ quan thanh tra trước đó.
Theo đó, UBND huyện Cam Lâm đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Cam Lâm tiếp tục giải quyết các thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với các thửa đất thuộc 114 khu đất nói trên theo quy định.
UBND huyện Cam Lâm giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã: Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây, Suối Cát, Suối Tân, Cam Hiệp Nam, Cam Hải Đông và thị trấn Cam Đức theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy sau hơn 5 tháng tạm dừng biến động, 2.385 thửa đất thuộc 114 khu vực (rộng 57 ha) đã được mua bán, chuyển nhượng, cho tặng, thế chấp...
Tuy nhiên, tại các thửa đất này chính quyền địa sẽ tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Theo thông tin báo Khánh Hòa đăng tải, trước đó, chiều 26/4, ông Ngô Văn Bảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm đã chủ trì họp giải quyết vướng mắc việc tạm dừng thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với 114 khu đất hiến đất làm đường trên địa bàn huyện.
Kết luận cuộc họp, ông Ngô Văn Bảo đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu văn bản hủy bỏ nội dung tạm dừng thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai tại đối với 114 khu đất; tiếp thu các ý kiến góp ý để bổ sung, hoàn chỉnh văn bản về việc khắc phục hậu quả các sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Được biết, trong năm 2022, UBND huyện Cam Lâm đã ban hành công văn liên quan về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến 114 khu đất có sai phạm theo kết luận của UBND tỉnh. UBND huyện yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Cam Lâm tạm dừng thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với 2.385 thửa đất trên địa bàn thuộc 114 khu đất đã có chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc khắc phục hậu quả.
TP HCM có 7.600 căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP HCM tháng 4, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng thông tin, từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT cũng đã cấp giấy chứng nhận cho các dự án nhà ở với khoảng 7.600 căn hộ.
TPHCM có 7.600 căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
"Hiện còn hơn 81.000 căn chưa được cấp giấy chứng nhận. Dự kiến trong tháng 5 sẽ giải quyết được hơn 8.100 căn (chiếm 19%) trong tổng số nêu trên", ông Thắng cho biết và thông tin thêm, trong tháng 4, số hồ sơ mua bán đất đai trên địa bàn thành phố là 7.400 hồ sơ (tăng 26% so với tháng 3), thu thuế 1.200 tỷ đồng (bằng 44% so với chỉ tiêu năm 2023).
"Điều này cho thấy tín hiệu khả quan, tháng 5 và các tháng còn lại với đà tăng như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng chung của thành phố", ông Thắng đánh giá.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính Lê Duy Minh cho hay tổng ngân sách thu sau bốn tháng là 170.000 tỉ đồng (đạt 36%), có thể đảm bảo các mục tiêu đề ra.
"Thành phố cần giải bài toán để làm sôi động lại thị trường bất động sản, khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông Minh kiến nghị và cho rằng, thị trường chứng khoán phản ánh sức khỏe doanh nghiệp, nếu khôi phục để đảm bảo niềm tin thì thị trường sẽ dần ấm lại.
Nhận định về thị trường bất động sản TP HCM thời gian qua, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, tín dụng từ tháng 3, 4 và bất động sản đã có cải thiện. Với những nỗ lực tập trung tháo gỡ từ Trung ương, thành phố đã tập hợp đầy đủ dự án vướng mắc, phân nhóm, tập trung triển khai.
"Trong 4 tháng đầu năm, thành phố đã tháo gỡ các vướng mắc, chỉ tính riêng mở bán các dự án bất động sản lên đến 9.000 căn, đây là sự nỗ lực rất lớn, cho thấy sự tập trung chỉ đạo quyết liệt có hiệu quả từ Thủ tướng Chính phủ và thành phố cũng chấp hành nghiêm túc, tổ chức có hiệu quả, cần phải tập trung hơn nữa", ông Mãi khẳng định.
Đà Nẵng: Xử lý việc “xẻ” nhà ở riêng lẻ thành 35 căn hộ mini bán trái phép
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, Đà Nẵng Nguyễn Hoàng Việt ký Công văn số 1269 về việc xử lý tình trạng mua bán trái phép hơn 30 căn hộ tại công trình K38/25 đường Lê Hữu Trác thuộc phường An Hải Đông.
Theo đó, công trình K38/25 đường Lê Hữu Trác được UBND quận cấp Giấy phép xây dựng số 361/GPXD ngày 12/3/2020 cho ông Trần Nhật Minh (hiện đã ủy quyền cho ông Trần Viết Khái).
Theo Giấy phép, chủ công trình chỉ được xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ, không được phép kinh doanh, mua bán căn hộ.
Tuy nhiên qua kiểm tra, đến nay, chủ công trình đã bán 31/35 phòng, diện tích mỗi phòng từ 25-35m2, còn 4 phòng chưa bán.
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh gây ảnh hưởng đến trật tự xây dựng, trật tự đô thị nói chung trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho các hộ dân sử dụng căn hộ, UBND quận Sơn Trà thông tin rộng rãi cho người dân, khuyến cáo tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch, kinh doanh bất động sản phải tìm hiểu kỹ thông tin, hồ sơ pháp lý của công trình và các quy định liên quan.
UBND quận Sơn Trà cũng giao cơ quan chức năng phường An Hải Đông giám sát vấn đề đăng ký tạm trú của người dân đã ký kết hợp đồng mua căn hộ tại đây; lưu ý có biện pháp ngăn chặn, xử lý và không cấp giấy tạm trú cho người dân đăng ký tạm trú tại công trình.
Giao Đội Kiểm tra quy tắc đô thị tham mưu UBND quận kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp mua bán căn hộ trái quy định và vi phạm trật tự xây dựng tại công trình K38/25 đường Lê Hữu Trác.
Liên quan tới công trình trên, ngày 20/4, UBND phường An Hải Đông đã có công văn báo cáo UBND quận Sơn Trà về tình trạng mua bán căn hộ trái phép tại công trình này.
Cụ thể, công trình được cấp phép xây dựng 4 tầng nhà, 1 tầng hầm, 1 tầng lửng, 1 tum thang với tổng diện tích hơn 1.182m2 (diện tích tầng 1 là 200 m2), công trình đã đưa vào sử dụng năm 2022.
Tại thời điểm kiểm tra, công trình đã bán 31/35 căn hộ, còn 4 căn hộ chưa bán với giá trị như sau: căn hộ diện tích 25m2 có giá 530 triệu đồng; căn hộ diện tích 35m2 với một phòng ngủ có giá 650 triệu đồng; căn hộ diện tích 35m2 với 2 phòng ngủ có giá 750 triệu đồng.
Khi kiểm tra, chủ hộ không cung cấp thông tin về thủ tục mua bán các căn hộ trên.
Xử phạt 12 chủ đầu tư “om” quỹ bảo trì chung cư hơn 13 tỷ đồng
Vừa qua, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đến thời điểm này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã hoàn thành và ban hành kết luận thanh tra đối với 5 địa phương, trong đó có nhiều vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư (2%).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Căn cứ của kết luận trên là quyết định thanh tra năm 2023 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt. Nội dung thanh tra là việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập nhiều biên bản xử lý vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.
Qua thanh tra đối với 19 chủ đầu tư, nhà đầu tư và ban quản trị nhà chung cư. Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 12/19 chủ đầu tư số tiền 13,3 tỷ đồng, trung bình 1,1 tỷ đồng/chủ đầu tư.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng, sau khi tiến hành lập biên bản xử phạt đối với những sai phạm, Thanh tra Bộ cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện một số công việc: Khi đủ điều kiện theo quy định thì phải tổ chức hoặc đề nghị UBND cấp xã tổ chứchội nghị nhà chung cư lần đầu; Thống nhất với Ban quản trị về phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở để bàn giao quỹ bảo trì chung cư; Bàn giao đầy đủ hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị...
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu 10/12 chủ đầu tư phải mở và gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì số tiền 254,1 tỷ đồng (trung bình 25,4 tỷ đồng/chủ đầu tư);
Buộc 6 chủ đầu tư quyết toán và bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị số tiền 513,8 tỷ đồng, trung bình đã chuyển 85,6 tỷ đồng/ ban quản trị (bao gồm cả % phần diện tích chủ đầu tư giữ lại). Đồng thời kiến nghị kiểm điểm đối với 19 tập thể 14 cá nhân để xảy ra vi phạm, tồn tại.
Theo kinhtexaydung.petrotimes.vn
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-bat-dong-san-noi-bat-tuan-qua-giam-lai-suat-de-thuc-day-khach-hang-tham-gia-thi-truong-683824.html