Sửa quy định phí và lệ phí để khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến

0
0

- Bộ Tài chính vừa có dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, các đề xuất sửa đổi quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đảm bảo thống nhất quy định

Bộ Tài chính cho biết, để thực hiện chủ trương khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 74/2022/TT-BTC quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định. Để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định tại các văn bản pháp luật khác như Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 11/2020/NĐ-CP về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước... Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi một số nội dung liên quan đến quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, dự thảo sửa đổi khoản 1 Điều 3 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP theo hướng người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho cơ quan thu hoặc kho bạc nhà nước bằng các hình thức: trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phí và lệ phí quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp.

Mặt khác, để đảm bảo đồng bộ về khai, nộp phí, lệ phí và phù hợp với pháp luật quản lý thuế, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho sửa đổi khoản 2 Điều 3 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP. Theo đó, tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được định kỳ hàng ngày, tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí thu được vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà nước. Đồng thời phải gửi số tiền lệ phí thu được vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc nộp lệ phí vào tài khoản thu ngân sách tại Kho bạc Nhà nước. Định kỳ ngày, tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách; tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc tài khoản thu ngân sách.

 

Bên cạnh đó, tổ chức thu phí kê khai, nộp tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng, quyết toán năm và tổ chức thu lệ phí kê khai, nộp lệ phí thu được vào NSNN theo tháng theo quy định của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

Riêng tổ chức thu phí hải quan, lệ phí hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải quá cảnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, dự thảo quy định tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện lập và cấp chứng từ thu phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP.

Bỏ quy định chi đặc thù về lương, đầu tư

Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Nghị định đó là các đề xuất liên quan đến việc thu phí, lệ phí của các cơ quan được áp dụng chế độ tài chính đặc thù.
Theo cơ quan soạn thảo, vướng mắc phát sinh chủ yếu từ việc một số cơ quan được áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù theo các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, trong đó, quy định được sử dụng tiền phí để lại chi: thu nhập tăng thêm, chi đầu tư... Điều đó, dẫn đến chênh lệch về thu nhập của công chức, hoặc chi đầu tư các công trình, máy móc thiết bị (trụ sở, hệ thống công nghệ thông tin quản lý...) lớn hơn phạm vi phục vụ cung cấp dịch vụ, thu phí (cần sử dụng vốn từ NSNN). Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ xem xét bỏ quy định chi đặc thù về lương, về đầu tư tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP. 

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ 2 phương án sửa đổi khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP. 

Phương án 1: Giữ quy định hiện hành; đồng thời bổ sung thêm vào khoản 3 Điều 5 nội dung cho phép cơ quan áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù được áp dụng cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Ưu điểm của phương án này là phù hợp với các chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật hiện hành và đảm bảo cho các cơ quan đang áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù không bị gián đoạn trong thực hiện nhiệm vụ hiện nay. Tuy nhiên, quy định này chưa xử lý được bất cập liên quan đến thu nhập và chi đầu tư của các cơ quan nhà nước áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù.

Phương án 2: dự thảo đề xuất bãi bỏ các nội dung chi liên quan đến chi tiền lương và chi đầu tư từ tiền phí để lại; bỏ khoản 3 quy định về chi cơ quan nhà nước áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù theo quy định riêng của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan này sẽ sử dụng tiền phí để lại theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. 

Từ những phân tích ưu, nhược điểm của 2 phương án này, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 1 vì phương án này phù hợp và đồng bộ với cơ chế tài chính đặc thù của cơ quan nhà nước hiện hành.

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.