- Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) hôm qua (25/4) dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết đề xuất của Mỹ về việc các quốc gia thành viên nhóm G7 đưa ra lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu sang Nga đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Nhật Bản và các thành viên Liên minh Châu Âu (EU).
Theo nguồn tin từ tờ Thời báo Tài chính, một dự thảo tuyên bố được chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G7 kéo dài ba ngày dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới tại Hiroshima bao gồm một đề xuất táo bạo nhằm thay thế các biện pháp trừng phạt theo từng lĩnh vực hiện tại nhằm vào Moscow bằng một lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn. Biện pháp trừng phạt này vẫn có miễn trừ đối với các lĩnh vực như nông nghiệp và các sản phẩm y tế.
Mỹ được cho là đang thúc đẩy kế hoạch này trong bối cảnh lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại có kẽ hở, cho phép Moscow tiếp tục lách được và nhập khẩu công nghệ từ phương Tây.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp từ Nhật Bản và các quốc gia thành viên EU được cho là đã đề xuất trong một cuộc họp trù bị hồi tuần trước rằng biện pháp mà Mỹ đưa ra và đang thúc đẩy là không thể thực hiện.
“Theo quan điểm của chúng tôi, điều đó đơn giản là không thể thực hiện được,” một quan chức giấu tên đã nói như vậy với tờ Thời báo Tài chính.
Tuần trước, tờ Bloomberg đưa tin rằng các quốc gia G7 đang thảo luận về khả năng cấm hoàn toàn hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang Nga như một phần của chương trình nghị sự rộng lớn hơn nhằm thắt chặt áp lực kinh tế đối với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Kể từ tháng 2/2022, chỉ riêng EU đã áp dụng 10 gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine.
Phản ứng của Nga
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng cảnh báo rằng Moscow sẽ đáp trả lại lệnh cấm xuất khẩu toàn bộ sang Nga, nhấn mạnh rằng động thái mới của phương Tây có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu toàn diện. Cựu Tổng thống Nga và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga – ông Dmitry Medvedev cũng tuyên bố rằng Moscow có thể từ bỏ thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen để trả đũa cho việc G7 áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn sang Nga.
Nga có thể từ bỏ thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine nếu nhóm 7 nước phát triển G7 áp đặt lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu hàng hóa sang nước này, ông Medvedev đã viết như vậy trên kênh Telegram của mình. Theo vị quan chức cấp cao này, Moscow cũng có thể trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu của chính mình sang các nước phương Tây.
“Ý tưởng của G7 về lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu sang nước chúng tôi là tuyệt vời, ở chỗ nó cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt có đi có lại hoạt động xuất khẩu từ nước chúng tôi trong các danh mục nhạy cảm nhất đối với G7. Trong trường hợp này, thỏa thuận ngũ cốc và nhiều thứ khác mà họ cần sẽ kết thúc đối với họ,” ông Medvedev cảnh báo.
Ngay từ đầu tuần trước, các thông tin đã rộ lên về việc các quốc gia G7, cụ thể là Anh, Đức, Ý, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản, đang xem xét lệnh cấm vận đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang Nga, ngoại trừ một số mặt hàng quan trọng như thuốc, lương thực, nông sản.
Hiện tại, xuất khẩu từ các quốc gia phương Tây sang Nga theo mặc định được cho phép, trong khi các hạn chế chỉ áp dụng đối với những mặt hàng bị trừng phạt. Theo các nguồn tin, G7 có kế hoạch đưa ra lệnh cấm này tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của nhóm tại Nhật Bản, dự kiến vào tháng 5, và sẽ tìm cách thuyết phục EU tham gia vào biện pháp trừng phạt này.
Việc cấm xuất khẩu sang Nga sẽ khiến hầu hết các dòng thương mại còn lại từ các quốc gia phương Tây đến nước này bị loại bỏ. Trong khi khối lượng xuất khẩu của EU và G7 sang Nga đã giảm gần một nửa trong năm qua do các biện pháp trừng phạt hiện nay, gần 70 tỷ USD hàng hóa từ các quốc gia này vẫn được xuất khẩu sang Nga, theo Trade Data Monitor có trụ sở tại Geneva cho biết.