- Theo Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa tháng 3 không có nhiều biến động. Nguồn cung được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thông tin tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước - Bộ Công Thương tháng 3/2023 cho biết, thị trường hàng hóa tháng 3 không có nhiều biến động. Nguồn cung được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm giảm nhẹ nhờ nguồn cung dồi dào. Một số mặt hàng có giá ổn định như đường, muối, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Các mặt hàng nhóm nhiêu liệu, năng lượng tăng, giảm đan xen do ảnh hưởng của giá thế giới, riêng mặt hàng thép xây dựng, giá có xu hướng tăng.
Tính chung trong Quý I năm 2023, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Nhu cầu hàng hóa thiết yếu tập trung cao trong tháng 1 do chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Quý Mão, sau đó giảm trong tháng 2 và dần khôi phục lại trong tháng 3.
Riêng với nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng, sau khi khắc phục sự cố kỹ thuật tại nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn xảy ra vào cuối tháng 12/2022, nhà máy đã vận hành trở lại với công suất tối đa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen trong Quý I.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới có thể diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới giá mặt hàng xăng dầu, khí đốt tại thị trường trong nước; giá mặt hàng thép xây dựng, LPG có xu hướng tăng do giá nguyên liệu thể giới tăng...
Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước hiện nay khá dồi dào, nhu cầu không cao nên giá các mặt hàng này sẽ tương đối ổn định. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ trong công tác điều hành của các Bộ ngành, thị trường sẽ không có hiện tượng tăng giá đột biến. Tuy nhiên, việc giá thịt lợn ở mức thấp đang đe doạ ảnh hưởng đến nguồn cung vào cuối năm.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, hiện nay, giá thịt lợn đang xuống thấp nên ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và việc tái đàn. Nếu tình trạng tái đàn hạn chế, dự báo đến cuối năm nay sẽ không đủ nguồn cung cho nhu cầu sử dụng, tác động đến giá thực phẩm và CPI. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này và đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 3 đạt 501.310 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước. Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Ước tổng mức bán lẻ Quý I đạt 1.505.251 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Ba tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý I năm 2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức giảm 0,23% của CPI tháng 3/2023 so với tháng trước có 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, 5 nhóm hàng tăng giá.
Trong quý I năm 2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do: Bình quân giá xăng dầu trong nước quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Việc kiểm soát CPI trong thời gian tới dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhiều mặt hàng do nhà nước quản lý đã đến thời điểm tăng giá theo lộ trình như giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, giá điện…
Yến Nhi