- Các hộ gia đình và các doanh nghiệp Anh cần chấp nhận thực tế rằng họ đang ở trong tình trạng nghèo đi và không nên yêu cầu tăng lương cũng như đẩy giá cả lên cao hơn, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh Huw Pill vừa cho biết như vậy.
Theo ông Pill, “một loạt cú sốc lạm phát” gây ra bởi đại dịch Covid-19, xung đột ở Ukraine và tình trạng mùa màng thất bát đã đẩy giá cả ở Anh lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh cho rằng để đối phó với các hóa đơn tăng cao và các chi phí gia tăng khác, người lao động và các doanh nghiệp đang cố gắng chuyển gánh nặng của lạm phát sang nhau.
Mọi người “đang cố gắng tìm cách đẩy chi phí tăng cao đó sang cho nhau, nói rằng 'chúng tôi sẽ ổn thôi, nhưng họ cũng sẽ phải chia sẻ với chúng tôi',” chuyên gia Pill cho biết. Ông cảnh báo rằng “trò chơi truyền bưu kiện đang diễn ra ở đây… trò chơi đó đang tạo ra lạm phát và phần lạm phát đó có thể kéo dài.”
Theo ông Pill, thay vì tìm cách chuyển gánh nặng sang nhau, mọi người cần phải chấp nhận thực tế rằng “nếu chi phí của những thứ bạn mua tăng lên so với những thứ bạn đang bán, thì bạn sẽ trở nên nghèo đi”.
Nhà kinh tế lưu ý rằng Vương quốc Anh là một nước nhập khẩu ròng khí đốt tự nhiên lớn và giá khí đốt đã tăng vọt trong năm qua so với giá trị xuất khẩu của đất nước, chủ yếu là dịch vụ.
“Vì vậy, bằng cách nào đó, ở Vương quốc Anh, mọi người cần phải chấp nhận rằng họ đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn và chấm dứt việc tìm cách duy trì khả năng chi tiêu thực sự của mình bằng cách tăng giá, cho dù là tăng lương hay chuyển chi phí năng lượng sang cho khách hàng,” ông Pill kết luận.
Lạm phát hàng năm ở Anh ở mức 10,1% trong tháng 3, chủ yếu do giá lương thực tăng vọt, trong khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của đất nước có rất ít dấu hiệu giảm bớt. Mặc dù tỷ lệ lạm phát đã giảm từ 10,4% trong tháng 2, nhưng nó đã giảm ít hơn dự kiến và vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh.