- Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy người tiêu dùng nước này đã phải hứng chịu đợt tăng giá mạnh nhất trong hơn 40 năm qua vào tháng 3, với mức tăng đặc biệt nghiêm trọng đối với thực phẩm và điện.
Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI), không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng bao gồm chi phí năng lượng, đã tăng 3,1% trong tháng 3 so với một năm trước. Chỉ số này không thay đổi so với tháng trước và giảm mạnh so với mức 4,2% của tháng 1, chủ yếu là do chính phủ trợ cấp để giảm chi phí hóa đơn tiện ích cho các hộ gia đình.
Loại trừ cả lương thực và năng lượng trong chỉ số, lạm phát được đo ở mức 3,8% trong tháng 3 so với 3,5% của tháng 2. Nó đã cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) trong mười tháng liên tiếp.
Dữ liệu cho thấy giá năng lượng tổng thể bao gồm cả giá điện đã tăng 12,8%.
Tốc độ gia tăng lạm phát nhanh nhất kể từ năm 1981, khi nước này phải chịu chi phí nhiên liệu tăng đột biến do cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở Trung Đông.
“Việc tăng giá lương thực dự kiến sẽ tiếp tục ít nhất cho đến khoảng tháng 6”, một quan chức của Bộ Nội vụ Nhật Bản cho biết.
Theo Viện nghiên cứu Mizuho Research & Technologies, CPI cơ bản của Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong những tháng tới.
Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) - ông Kazuo Ueda sẽ tổ chức cuộc họp thiết lập chính sách đầu tiên vào tuần tới và ông này đã tuyên bố sẽ giữ chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo để thúc đẩy các công ty tăng lương nhiều hơn và cho đến khi có thêm bằng chứng cho thấy tình trạng tăng lạm phát trở lại mức bền vững và được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ hơn là áp lực cung.
Giá cả hàng hóa toàn cầu tăng vọt đã gây áp lực lên các công ty Nhật Bản, từ đó chuyển gánh nặng chi phí cao sang người tiêu dùng.