- Theo nhận định của Savills Việt Nam về tình hình hoạt động của thị trường bán lẻ Hà Nội quý 1/2023 cho thấy, hoạt động thị trường trầm lắng, tuy có thách thức nhưng nhìn chung vẫn nhìn thấy cơ hội của phân khúc thị trường này!
Theo đó, nguồn cung 1,7 triệu m2 tăng 1% theo quý và 4% theo năm. Nguồn cung tăng trưởng trung bình 4%/năm trong năm năm vừa qua. Trung tâm mua sắm duy trì tỷ trọng nguồn cung lớn nhất với 962.400m² (56%); tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khối đế bán lẻ đã vượt xa các trung tâm mua sắm kể từ năm 2019. Phân khúc này chiếm 15% thị phần.
Giá thuê gộp tầng trệt đạt 1.040.000 VNĐ/m²/tháng, tăng 3% theo quý và 9% theo năm.
Công suất thuê giảm -1 điểm % theo quý và theo năm xuống 91%. Khối đế bản lẻ giảm sâu nhất -5 điểm %. Diện tích cho thuê mới phía Đông và Tây giảm -30.500 m2 do các cửa hàng đóng cửa để cắt giảm chi phí và dịch chuyển sang nền tảng thương mại điện tử.
Theo Savills Việt Nam, lạm phát và việc doanh nghiệp thu hẹp quy mô kinh doanh đã ảnh hưởng đến tiêu dùng. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ quốc tế. Các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia lớn như Central Retail, Uniqlo và Muji tiếp tục mở rộng. Kể từ năm 2020, Uniqlo đã mở 16 cửa hàng tại Việt Nam và Muji đã mở 5 cửa hàng, với kế hoạch mở thêm tại Hà Nội trong nửa cuối năm 2023. Từ năm 2023 đến năm 2025, Central Retail có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt trên 57 trên 63 tỉnh thành của Việt Nam.
Doanh thu bán lẻ Hà Nội đạt 184 nghìn tỷ VNĐ, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,3% so với cùng kỳ do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, vật liệu sản xuất, giao thông, vui chơi giải trí và du lịch đều tăng. Điều này có thể ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, với việc người tiêu dùng ưu tiên hàng hóa thiết yếu hơn phục vụ nhu cầu mua sắm cá nhân. Các nhà bán lẻ có thể cần điều chỉnh chiến lược của mình để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường với áp lực chi phí ngày càng tăng.
Năm 2023, nguồn cung mới 191.200 m² sẽ đến từ 12 dự án, bao gồm Lotte Mall, The Linc @ Park City và Thor Complex. Khu vực Nội thành sẽ có 7 dự án và các khu vực Trung tâm, phía Tây và Khác sẽ có 5 dự án. Trung tâm mua sắm đóng góp 75% và khối đế bán lẻ đóng góp 25%.
Về thị trường văn phòng, trong năm 2022, tổng diện tích văn phòng đạt 2,17 triệu m2 với 191 dự án, tăng 1% theo quý và ổn định theo năm sau khi một dự án Hạng A và hai dự án Hạng C gia nhập với tổng cộng 27.610 m2 sàn.
Kể từ năm 2018, nguồn cung Hạng A và Hạng B tăng trung bình 6%/năm và Hạng C tăng 2%. Hạng B có nguồn cung lớn nhất với hơn 1 triệu m2, tương đương với 49% thị phần, theo sau bởi Hạng A với 27% và Hạng C với 24%. Khu vực phía Tây dẫn đầu thị trường với 873.700 m2.
Theo đánh giá, công suất và giá thuê giảm, một số chủ nhà giảm giá thuê trong ngắn hạn để giữ chân khách thuê. Công suất thuê giảm -2 điểm % theo quý và ổn định theo năm. Hạng C đạt tỷ lệ lấp đầy cao nhất 92%, theo sau là Hạng B với 86% và Hạng A với 80%.
Bất chấp các điều kiện kinh thế toàn cầu khó khăn với mức tăng trưởng chậm và suy giảm thương mại, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội vẫn tích cực. GRDP quý 1/2023 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng bình quân cả nước là 3,3%.
Các ngành công nghiệp và xây dựng tăng 2,4%, dịch vụ tăng mạnh 7,4%. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2023, vượt xa các nước trong khu vực như Trung Quốc (4,3%), Indonesia (4,8%), Philippines (5,4%) và Thái Lan (3%).
Trong Q1/2023, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 7.496 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái với tổng vốn đăng ký 73,1 nghìn tỷ VNĐ. Hơn 10.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 22% theo năm), và 921 doanh nghiệp đóng cửa, giảm -5% theo năm. 3.457 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm -21,5% theo năm.
Chính vì vậy mang đến những triển vọng cho phát triển thị trường văn phòng. Từ nay đến cuối năm 2023, dự kiến nguồn cung sẽ có thêm 63.690 m2 từ các dự án BRG Grand Plaza, 36 Cát Linh và Lotte Mall. Với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD, Lotte Mall sẽ là một trong những dự án thương mại quan trọng nhất của Hà Nội, với mức đầu tư lớn thứ hai toàn thành phố chỉ sau Keangnam (1,05 tỷ USD).
Từ năm 2024 đến năm 2025, thị trường dự kiến sẽ có thêm 201.700 m² từ chín dự án, chủ yếu ở khu vực phía Tây và khu vực Nội thành.
Chứng chỉ xanh ngày càng quan trọng đối với thị trường văn phòng khi các khách thuê đang sẵn sàng trả giá thuê cao hơn đối với các tòa nhà có chứng chỉ xanh. Việc cải tạo và nâng cấp các tòa nhà cũ chưa có chứng nhận xanh là thiết yếu nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Các dự án xanh sắp ra mắt gồm Gelex 10 Trần Nguyên Hãn, 36 Cát Linh và Tiến Bộ Plaza. Đến cuối năm 2025, Hà Nội dự kiến sẽ cung cấp 68.400 m2 diện tích văn phòng xanh.