- So với quy định về đối tượng gia hạn tại Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022, đối tượng được gia hạn tại Nghị định 12/2023/NĐ-CP đã giảm đi một nhóm.
Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ quy định 04 nhóm đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
Theo đó, nhóm 1 là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế sau: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; Xây dựng; Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng); Sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; Thoát nước và xử lý nước thải.
Nhóm 2 gồm các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau: Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản; Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim; Hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin; Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng.
Nhóm 3 là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Cuối cùng là, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngành kinh tế, lĩnh vực của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này là ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2022 hoặc 2023.
Như vậy, so với quy định về đối tượng gia hạn tại Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022, đối tượng được gia hạn tại Nghị định 12/2023/NĐ-CP đã giảm đi một nhóm đó là “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Theo Bộ Tài chính, thực tế năm 2022, kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần khá thành công. Trong đó, Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước: Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đạt lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 20.500 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận 20.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022, tăng khoảng 40% so với năm trước, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng, tăng đến 70% so với năm 2021.
Tương tự, đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ và hoàn thành 118% kế hoạch năm. Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đạt 7.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho năm 2022, tăng khoảng 30% so với năm 2021. Các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng có kết quả kinh doanh cao trong năm 2022.
Bên cạnh đó, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023 có nêu: “Năm 2023, định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế”.
Do đó Bộ Tài chính đề xuất không gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2023 cho các đối tượng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Minh Ngọc