- UBND tỉnh Lào Cai vừa tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2040 được phê duyệt theo Quyết định 266/QĐ-TTg ngày 20/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa của thị xã Sa Pa đến năm 2040 bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị xã Sa Pa với diện tích 68.137 ha. Trong đó, trung tâm Khu du lịch quốc gia Sa Pa có diện tích 6.090 ha, bao gồm: Đô thị du lịch Sa Pa lõi hiện hữu với diện tích 5.525 ha và khu vực mở rộng không gian với diện tích 565 ha.
Về định hướng quy hoạch, 4 phân khu du lịch thuộc thị xã Sa Pa được kết nối với trung tâm của Khu du lịch quốc gia Sa Pa, gồm các phân khu: Ngũ Chỉ Sơn (285 ha), Tả Phìn (185 ha), Tả Van (306 ha) và Thanh Bình (330 ha).
Về mục tiêu phát triển, xây dựng và phát triển toàn Khu du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa trở thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Toàn Khu du lịch quốc gia Sa Pa trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.
Xây dựng và phát triển trung tâm Khu du lịch quốc gia Sa Pa và các phân khu du lịch có hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, tiện ích, dịch vụ đồng bộ, bảo vệ và phát huy các giá trị đặc trưng văn hóa, kiến trúc và cảnh quan tự nhiên, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch và đô thị bền vững. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng theo quy hoạch chung, hấp dẫn đầu tư phát triển du lịch, đô thị, nông thôn và thực hiện các bước đầu tư tiếp theo.
Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Sa Pa đón khoảng 8,0 triệu lượt khách, trong đó khoảng 1,8 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2040 đón khoảng 12 triệu lượt khách, trong đó khoảng 3 triệu lượt khách quốc tế.
Quy hoạch chung đã định hướng các sản phẩm du lịch chính gồm: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch tham quan, trong đó nổi bật là: trekking khám phá thiên nhiên Vườn quốc gia Hoàng Liên và Ngũ Chỉ Sơn; chinh phục đỉnh núi Phan Si Păng; du lịch nghỉ dưỡng ngắm tuyết rơi vào mùa Đông; du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch tâm linh, du lịch thể thao mạo hiểm như: dù lượn, xe đạp địa hình, chèo thuyền dọc suối...
Về giải pháp bảo vệ môi trường tại các khu vực phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và khu chức năng, yêu cầu xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn; duy trì, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan, hành lang cây xanh bảo vệ hệ thống suối, mặt nước, hồ điều hòa, rừng, nông nghiệp; quản lý kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường đất, nước, không khí, đặc biệt tiếng ồn trong đô thị để hấp dẫn thời gian lưu trú của khách du lịch; gìn giữ và bảo vệ giá trị cảnh quan môi trường tự nhiên; bảo tồn và phát huy hệ sinh thái, duy trì đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng nước; khuyến khích hoạt động du lịch sinh thái thân thiện môi trường và văn hóa bản địa.