Bộ Công Thương tính toán để nâng mức dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu lên 75-90 ngày nhập ròng, cần khoảng 270.000 tỷ đồng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hệ thống kho dự trữ xăng dầu hiện được phân bố trên phạm vi cả nước, nhưng chưa có kho riêng cho dự trữ quốc gia.
Tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn khoảng 65 ngày nhập ròng. Một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện tại, cần cải tạo, sửa chữa nhiều để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế và bảo đảm an toàn cho quá trình vận hành.
Sức chứa của hệ thống kho khí hóa lỏng (LPG) còn hạn chế. Hiện cả nước chỉ có 10 kho có dung tích từ 10.000m3 trở lên và chưa có kho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được đưa vào hoạt động. Việc xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ kho khí LNG đến các hộ tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn do khi quy hoạch các khu công nghiệp chưa dành hành lang cho tuyến ống dẫn khí đốt.
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu nâng dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu đạt 75-80 ngày nhập ròng đến năm 2030 và tiến tới 90 ngày nhập khẩu ròng đến năm 2050. Khí đốt dự trữ đạt tối thiểu 15 ngày tiêu thụ.
Mức dự trữ xăng dầu ở nước ta mới ở mức khiêm tốn khoảng 65 ngày nhập ròng (Ảnh: Mạnh Quân). |
Đơn vị tư vấn lập quy hoạch ước tính tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, được huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên cho việc nâng mức dự trữ quốc gia cho mặt hàng xăng dầu.
Góp ý cho dự thảo quy hoạch, TS Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng quy hoạch chịu tác động rất lớn từ biến động thị trường quốc tế, khả năng cung ứng và nhu cầu thị trường, cũng như chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, môi trường. Do đó, quá trình thực hiện quy hoạch cần tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp, tránh quy hoạch cứng khi cơ cấu năng lượng có sự thay đổi trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, nhìn nhận quá trình thực hiện quy hoạch cần phải tính toán đến các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng, ứng phó biến đổi khí hậu…
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng lưu ý đến "tính động", "tính mở" trong quy hoạch vì liên quan đến sự thay đổi về công nghệ dự trữ, các loại nhiên liệu sử dụng trong tương lai, cũng như xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo ngày càng mạnh mẽ.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/choang-voi-so-tien-can-de-xay-kho-xang-dau-du-tru-quoc-gia-20230331104549522.htm