- Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Quy mô, tiềm lực, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế không ngừng được nâng lên; an sinh xã hội, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động việc làm; đời sống người dân... tiếp tục được cải thiện.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức Lễ Công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, sau không ít khó khăn do hệ lụy của dịch bệnh COVID-19 và các diễn biến kinh tế, địa chính trị phức tạp trên thế giới. Môi trường kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát nói riêng của Việt Nam tương đối ổn định hơn so với khu vực và cả trên bình diện thế giới. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh các nỗ lực cải cách gắn với chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phục hồi xanh gắn với kinh tế tuần hoàn.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đằng sau những chuyển biến rất tích cực về kinh tế và chính sách là tư duy tích cực, nỗ lực không ngừng của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tìm kiếm những ý tưởng, kiến nghị trên các lĩnh vực: cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Ông Vincent Koen, Phó Vụ trưởng, Tổ chức OECD cũng cho rằng, thị trường tài chính có những thay đổi lớn; những yếu tố bất định đang diễn ra do giá lương thực, nhiên liệu; cuộc xung đột giữa các nước;… điều này đòi hỏi các quốc gia cần có những đổi mới về cơ cấu để tăng khả năng phục hồi và khả năng chống chịu. Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thực hiện các giải pháp nhanh chóng, linh hoạt để thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế và đã đạt được những kết quả mà rất ít quốc gia có thể đạt được.
Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng ADB, trong hơn 3 thập niên, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ kinh tế nổi bật, duy trì mức tăng trưởng gần 7% là điều rất ít quốc gia đạt được. “Đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại bước tiến này, nhưng Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để kiểm soát dịch bệnh, linh hoạt các giải pháp điều hành, mở cửa mạnh mẽ nên tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, dù phải đối mặt với nhiều bất lợi”, ông Cường nhận định.
OECD dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở mức 6,5% vào năm 2023 và 6,6% trong năm 2024.
3 thông điệp chính để duy trì tăng trưởng kinh tế
Báo cáo đưa ra 3 thông điệp chính. Thứ nhất, chính sách kinh tế vĩ mô cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, ưu tiên là giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, thay vì thực hiện những biện pháp tài khóa mở rộng hơn nữa. Trong trung hạn, Báo cáo nhấn mạnh yêu cầu phải củng cố các khung chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế. Đồng thời, cần tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức.
Thứ hai, để duy trì tăng trưởng kinh tế cao sau khi phục hồi, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số. Việc khơi dậy sức sống và tinh thần doanh nhân đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực theo hướng tinh giản các quy định, tăng tính minh bạch của các quy trình điều tiết và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia thị trường, gồm cả giữa doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị tư nhân.
Thứ ba, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Định hướng này có thể được hiện thực hóa thông qua cách tiếp cận chính sách toàn diện, trong đó ưu tiên đầu tư nhà nước và tư nhân hiệu quả, thiết lập các quy định tạo thuận lợi và tạo cơ chế để giá cả thị trường phản ánh tốt hơn hàm lượng các-bon.
Trình bày tham luận tại buổi Lễ, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Báo cáo đã được xây dựng rất công phu, khoa học, có sự phối hợp, tham gia rất chặt chẽ của các bộ, cơ quan, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thể hiện được sâu sắc, toàn diện nhiều vấn đề kinh tế, xã hội nổi bật, cả ngắn hạn năm 2023, cũng như trong trung và dài hạn của Việt Nam. Báo cáo là tài liệu tham khảo hữu ích, cung cấp thông tin phong phú cho các bộ, cơ quan trong hoạt động tham mưu, điều hành kinh tế - xã hội.
Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Quy mô, tiềm lực, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế không ngừng được nâng lên; an sinh xã hội, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động việc làm; đời sống người dân,... tiếp tục được cải thiện. Dù vậy, là quốc gia đang phát triển, độ mở kinh tế lớn, có những vấn đề riêng trong dài hạn như năng suất lao động còn thấp, năng lực sản xuất còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, đầu vào nhập khẩu,... Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng chung của thế giới, khu vực.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đó, Việt Nam vẫn kiên trì, quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; 03 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Minh Ngọc