- Có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là "tốt" vào năm 2022 - tăng 19,4% so với 1 năm trước đó.
Báo cáo "Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam" (PAPI) năm 2022 vừa được công bố cho thấy, sự lạc quan của người dân về kinh tế tuy vẫn còn nỗi lo ngại về tác động của dịch COVID-19.
Báo cáo PAPI 2022 do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cùng các đối tác thực hiện, đánh giá những nỗ lực của Việt Nam trong năm 2022 nhằm khắc phục các tác động kinh tế-xã hội của 2 năm dịch COVID-19 bùng phát đã giúp tăng niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế của hộ gia đình và của quốc gia trong năm qua.
Theo báo cáo, có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là "tốt" vào năm 2022 – tăng 19,4% so với 1 năm trước đó. Cũng ở câu hỏi này, tỉ lệ người dân đánh giá điều kiện kinh tế của đất nước là "kém" giảm tới 13,7% so với con số 19,8% của năm 2021 xuống còn 6,1% năm 2022. Tương tự, ở cấp hộ gia đình, tỉ lệ người dân cho rằng điều kiện kinh tế hộ của mình là "kém" giảm từ 15,3% năm 2021 xuống còn 11,4% năm 2022.
Mặc dù 56% số người được hỏi khẳng định điều kiện kinh tế hộ gia đình tốt hơn vào năm 2022, cao hơn so với tỉ lệ 52% vào năm 2021, tuy nhiên tỉ lệ này vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Tương tự, những người cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ là kém đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012, trừ năm 2021. Những con số này cho thấy nhiều người vẫn còn nỗi lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch, trong đó người dân tộc thiểu số và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tỉ lệ nghèo đói và việc làm không ổn định cao hơn ở 2 nhóm này...
Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng là công tác trọng tâm trong nhiệm kỳ này, kết quả khảo sát PAPI năm 2022 cho thấy thái độ của công chúng đối với vấn đề này đang thay đổi. Theo đó, tỉ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước tập trung giải quyết tăng 4,8% năm 2022, so với năm 2021.
Về Luật Đất đai năm 2013, bao gồm các quy định liên quan đến các giao dịch mua bán, tịch thu, và bồi thường, chỉ số PAPI tìm hiểu nhận thức và trải nghiệm của người dân về hiệu quả quản trị đất đai tại địa phương. Qua đó, phân tích một số chỉ tiêu đánh giá tính bình đẳng trong áp dụng một số điều khoản của luật trên thực tế.
Một phát hiện quan trọng là tỉ lệ hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp tăng lên đến 4,1% trong năm 2022, cao hơn so với năm trước. Đây là vấn đề cần được giải quyết bằng các quy định chặt chẽ hơn về minh bạch và tiếp cận thông tin đất đai một cách bình đẳng trong Luật Đất đai (sửa đổi). Người dân cho rằng mức bồi thường thu hồi đất còn ở mức quá thấp và đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới khiếu kiện liên quan tới thu hồi đất...
Liên quan đến hiệu quả quản trị điện tử, các cấp chính quyền địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn, tương xứng với tỉ lệ lớn người dân đang sử dụng internet hiện nay.
Năm 2022, tỉ lệ số người dân cho biết họ có thể thực hiện một phần dịch vụ công trực tuyến để làm thủ tục xin xác nhận của chính quyền địa phương hoặc thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp hơn so với năm 2021.
Về việc sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), số người trả lời cho biết họ đã sử dụng hoặc có hồ sơ người dùng trên Cổng DVCQG còn thấp khi có chưa tới 5% số người trả lời cho biết họ đã sử dụng Cổng DVCQG cho các mục đích khác nhau và khoảng 3% đã thiết lập hồ sơ người dùng trên Cổng này.
Ngoài ra, Báo cáo PAPI 2022 cũng nêu kết quả cấp tỉnh ở 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Các tỉnh/thành phố trong nhóm tứ phân vị "cao" có 6 tỉnh/thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh/thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Các tỉnh/thành phố trong số 14 địa phương trong nhóm tứ phân vị "thấp" thuộc các vùng trung du và miền núi phía bắc, Tây Nguyên, và Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý là khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 giữa nhóm điểm cao nhất và điểm thấp nhất có xu hướng thu hẹp...
Tỉnh Quảng Ninh đứng đầu trong bảng xếp hạng PAPI 2022 với chỉ số tổng hợp đạt 47,8763; xếp thứ 2 là tỉnh Bình Dương với 47,4488 điểm; tỉnh Cao Bằng đứng cuối cùng với 38,8037. Thủ đô Hà Nội đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng này, với chỉ số tổng hợp đạt 43,9049.
So với kết quả PAPI năm 2021, 33 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở chỉ số nội dung 1 "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở"; 18 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở chỉ số nội dung 2 "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương" và 30 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở chỉ số nội dung 8 "Quản trị điện tử".
Tuy nhiên, 29 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở chỉ số nội dung 7 "Quản trị môi trường"; 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở chỉ số nội dung 4 "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" và 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở chỉ số nội dung 6 "Cung ứng dịch vụ công".
Minh Ngọc