- Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: “Cử tri đề nghị sớm hoàn thiện thể chế thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị với các lĩnh vực khác để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện, nhất là đối với cấp chính quyền đô thị, người dân và doanh nghiệp”.
Về vấn đề này, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, theo Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Đối với ngành Xây dựng, công tác xây dựng pháp luật cũng luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đặt lên hàng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của Bộ Xây dựng. Thời gian gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Luật Kiến trúc năm 2019 và các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành… đáp ứng các mục tiêu chính: (1) cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; (2) tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý nhà nước; (3) giải quyết các vấn đề bất cập trên thực tiễn; (4) bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, triển khai thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 04/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Kết luận số 83-KL/TW, Bộ Xây dựng đã rà soát đề xuất những định hướng lớn trong hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật ngành Xây dựng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (năm 2021-2026), xây dựng Chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm triển khai có hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng thời đảm bảo mục tiêu quản lý và phát triển, có tính kế hoạch, tính dự báo và tầm nhìn dài hạn. Theo đó, đã đề xuất 07 văn bản quy phạm pháp luật cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong giai đoạn 2021-2026; 05 văn bản quy phạm pháp luật đề xuất nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong giai đoạn sau năm 2026, tầm nhìn đến năm 2045. Đề xuất của Bộ Xây dựng đã được tổng hợp tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai, thực hiện và tích cực triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát, đề xuất xây dựng luật, nghị quyết theo yêu cầu. Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành 07 nhiệm vụ được giao trong năm 2022; trong đó: 01 nhiệm vụ đã hoàn thành, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung; 02 nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2023; 03 nhiệm vụ đã hoàn thành báo cáo rà soát, đề xuất xây dựng luật mới ; 01 nhiệm vụ đã hoàn thành báo cáo rà soát, đề xuất lồng ghép nội dung vào các luật đang đề xuất xây dựng mới.
Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ thông qua chính sách đối với đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, được Chính phủ thống nhất đưa vào Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Bộ Xây dựng đang tích cực soạn thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Đồng thời, Bộ Xây dựng đang tích cực lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị, Luật điều chỉnh về cấp, thoát nước để trình Chính phủ trước ngày 01/11/2023. Nội dung các văn bản Luật sẽ rà soát, quy định thống nhất về phân công, phối hợp giữa các cấp trong quản lý nhà nước về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Trong thời gian này, Bộ Xây dựng cũng đã chủ động soạn thảo, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, chất lượng công trình xây dựng…; trong đó, trọng tâm là: (i) tiếp tục phân cấp thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; phân cấp thẩm quyền quyết định các khu vực phát triển đô thị, khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở; phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài; phân cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng từ Bộ Xây dựng sang Sở Xây dựng các địa phương; tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng, quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoàn thiện quy định về trách nhiệm quản lý phát triển đô thị ở Trung ương và địa phương…; (ii) tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; (iii) giảm một số loại tài liệu, văn bản pháp lý mà có thể khai thác được từ Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực; (iv) bổ sung quy định về kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng nhằm bảo đảm cơ chế giám sát, kiểm tra khi phân cấp, ủy quyền; đáp ứng yêu cầu tại Quyết định số 1963/QĐ-TTg, Quyết định số 1015/QĐ-TTg. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ, dự thảo Nghị định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Báo cáo số 155/BC-BXD ngày 14/12/2022; đồng thời, đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã và đang phối hợp với một số cơ quan nghiên cứu, xây dựng các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số địa phương và chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị cho các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương như các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa.
"Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Xây dựng theo hướng đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, giải quyết các vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và kịp thời thể chế hóa các chính sách và chủ trương của Đảng, đặc biệt là pháp luật trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quản lý, phát triển đô thị", Bộ Xây dựng cho biết.
Đ. Hoài