Giá cả sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước

0
0

- Trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng mức giá đắt đỏ nhất cả nước năm 2022, tiếp theo là Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh. 

Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2022 mới được Tổng cục Thống kê công bố cho biết thứ tự đắt đỏ giữa các vùng kinh tế không biến động so với năm 2021.

Kết quả biên soạn chỉ số SCOLI năm 2022 cho thấy, so năm 2021, vị trí các địa phương có mức giá đắt đỏ trong năm 2022 không có sự thay đổi lớn. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức đắt đỏ hơn các tỉnh miền núi chủ yếu ở các nhóm hàng nhà ở thuê, dịch vụ, giải trí và du lịch.

Theo đó, trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với mức giá đắt đỏ nhất cả nước trong năm qua, Quảng Ninh đứng thứ hai với chỉ số SCOLI bằng 99,89% Hà Nội.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, Quảng Ninh có 5 nhóm chỉ số giá bình quân thấp hơn Hà Nội, bao gồm nhóm bưu chính viễn thông bằng 92,18%; văn hóa, giải trí và du lịch bằng 92,22%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 92,39%; giao thông bằng 94,7%; may mặc, mũ nón, giày dép bằng 96,07%.

 

Ở chiều ngược lại, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác của Quảng Ninh bằng 116,18% Hà Nội; giáo dục bằng 106,14%; thuốc và dịch vụ y tế bằng 105,64%; đồ uống và thuốc lá bằng 104,8%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng bằng 101,23%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 100,79%.

Theo Báo cáo, Quảng Ninh có vị trí đắt đỏ thứ hai cả nước do là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các ngành kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Kinh tế Quảng Ninh phát triển sôi động, dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so các địa phương khác.

Đứng thứ ba trong cả nước là TP Hồ Chí Minh với chỉ số SCOLI bằng 96,2% Hà Nội. Một số nhóm hàng của thành phố có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội: may mặc, mũ nón và giày dép bằng 78,07%; văn hóa, giải trí và du lịch bằng 91,72%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,34%.

TP Hồ Chí Minh là hạt nhân của vùng kinh tế Đông Nam Bộ, nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế, có nguồn nhân lực dồi dào, có kỹ năng, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Bên cạnh nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kết nối cung cầu bán lẻ hàng hóa, theo đó giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu có xu hướng thấp hơn so Hà Nội.

 

Tiếp theo là Đà Nẵng đứng thứ tư với chỉ số SCOLI năm 2022 bằng 95,89%. Mức giá của Đà Nẵng đứng ở vị trí cao trong cả nước do Đà Nẵng là 1 trong 5 thành phố lớn của Việt Nam, là trung tâm kinh tế-xã hội của miền trung, là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế, trung tâm bưu chính, viễn thông và tài chính, ngân hàng.

Bà Rịa-Vũng Tàu đứng thứ năm cả nước với chỉ số SCOLI năm 2022 bằng 95,86%, tăng mức đắt đỏ 6 bậc so năm 2021. Hầu hết các nhóm hàng của Bà Rịa-Vũng Tàu đều thấp hơn Hà Nội (từ 0,09% đến 23,17%).

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, Quảng Trị là địa phương có chỉ số SCOLI năm 2022 thấp nhất cả nước, bằng 86,83% so Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Quảng Trị so Hà Nội trong khoảng từ 75,77%-115,34%.

Giá lương thực, thực phẩm; may mặc, mũ nón giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; dịch vụ giáo dục và y tế thấp, chi phí du lịch rẻ là các yếu tố làm cho mức độ đắt đỏ của Quảng Trị thấp nhất cả nước.

Địa phương có giá thấp thứ hai cả nước là Bến Tre và Trà Vinh với chỉ số SCOLI năm 2022 cùng bằng 86,89%. So Hà Nội, giá bình quân các nhóm hàng của Bến Tre ở mức 71,53%-103,55%; giá bình quân các nhóm hàng của Trà Vinh ở mức 71,75%-105,91%. Tiếp theo là Sóc Trăng có chỉ số SCOLI bằng 87,34% với giá bình quân các nhóm hàng ở mức 62,11%-98,92% so Hà Nội.

Các tỉnh có mức giá thấp nhất trong cả nước phần lớn do các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở thuê; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục; dịch vụ vui chơi, giải trí có mức giá thấp.

Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có chỉ số SCOLI năm 2022 thấp như: Nam Định (87,82%), Hậu Giang (88,38%); Đồng Tháp (88,88%); Gia Lai (88,99%); Tây Ninh (89,21%); Phú Thọ (90,26%); Vĩnh Long (90,29%).

Nhìn chung, các tỉnh có mức giá thấp nhất trong cả nước phần lớn do các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở thuê; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục; dịch vụ vui chơi, giải trí có mức giá thấp.

Tương tự, xét theo vùng kinh tế, thứ tự đắt đỏ giữa các vùng trong năm 2022 cũng không biến động so năm 2021. Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước.

Vị trí thứ hai là vùng trung du và miền núi phía bắc với chỉ số SCOLI năm 2022 bằng 99,42%, tiếp theo là Đông Nam Bộ 98,62%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung 98,33%, Tây Nguyên 97,87% và cuối cùng là vùng đồng bằng sông Cửu Long với 94,85%.

Đáng chú ý, đồng bằng sông Cửu Long là vùng có chỉ số SCOLI thấp nhất cả nước trong nhiều năm nay, chủ yếu do đây là vùng có địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu và thủy văn thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp, nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình có mức giá thấp.

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữa các vùng kinh tế-xã hội trong một thời gian nhất định (thường là 1 năm).

Chỉ số SCOLI năm 2022 được biên soạn cho 6 vùng kinh tế-xã hội, trong đó so sánh giá của 5 vùng với vùng đồng bằng sông Hồng và biên soạn cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó so sánh giá của 62 địa phương với Hà Nội.

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


Vai trò, sứ mệnh mới của truyền thông trong ASEAN

(VnMedia) - Trọng tâm hợp tác ASEAN về thông tin bao gồm các lĩnh vực cụ thể: Tin giả, Tin sai, Tin xấu - độc; Truyền thông về ASEAN và Tăng cường "Bản sắc ASEAN".

Hủy phiên đấu thầu vàng lần thứ hai trong tuần

(VnMedia) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo hủy đấu thầu phiên đấu thầu vàng sáng 25/4 do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. 

Chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”

(VnMedia) - "Chuyển đổi số đã 'đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người', chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn là nạn nhân của các cuộc tấn công ransomware

(VnMedia) - Công an TP Hà Nội cho biết, hàng loạt doanh nghiệp lớn như VNDirect, PVOIL… là nạn nhân của các cuộc tấn công ransomware với hình thức, thủ đoạn giống nhau là tấn công mã hóa dữ liệu nhằm mục đích đòi tiền chuộc...

Giá vàng tiếp đà giảm phiên thứ 3 liên tiếp

(VnMedia) - Chốt phiên làm việc rạng sáng nay (25/4), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã tiếp tục giảm thêm gần 6 USD/ounce. Đây là phiên đi xuống thứ 3 liên tiếp trên thị trường kim loại quý này.