- Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023, trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản…
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo để nghiên cứu chiến lược và kịp thời điều hành, có các phản ứng chính sách hiệu quả, phù hợp để ứng phó với các vấn đề phát sinh.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng.
Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát.;
Có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác. Điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2023.
Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại công nghiệp, chú trọng các ngành có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao, bền vững. Tập trung tháo gỡ khó khăn của các dự án công nghiệp lớn, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản… để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất, tạo chủ động nguồn cung cấp nguyên, nhiên vật liệu phục vụ phát triển bền vững.
Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, kích cầu tiêu dùng trong nước, nhất là các sản phẩm công nghiệp.
Ảnh miinh họa: Dân Trí |
Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, đối với từng dự án bất động sản cụ thể; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững, trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; dự kiến khả năng thực hiện, số tiền có thể giải ngân đến hết thời hạn của Chương trình, phương án đối với số tiền còn lại không sử dụng hết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 08 tháng 3 năm 2023.
Thực hiện điều hòa linh hoạt vốn giữa Chương trình
Về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2023 cho các bộ, cơ quan, địa phương. Đến ngày 01/3/2023, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết đạt 85,2% kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Ước thanh toán đến ngày 28/02/2023 đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ (tăng khoảng 10%). Có 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 51/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 43 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn (0%).
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện, nhất là đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội;
Thực hiện điều hòa linh hoạt vốn giữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định, bảo đảm giải ngân toàn bộ số vốn của Chương trình trong năm 2023.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương hoàn thành các văn bản hướng dẫn, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương trong Quý I/2023 và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, khả năng giải ngân để tập trung thực hiện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, rủi ro trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.