- Hội Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị cân nhắc sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu theo phương án xem xét các điều kiện thông thoáng hơn cho việc phát triển các doanh nghiệp, tăng cường cạnh tranh...
Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá, phương thức điều hành giá xăng dầu, thời gian điều hành/công bố giá, mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu…
Theo đó, về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu, Thường trực Tổ biên tập đề xuất Bộ Tài chính phối hợp rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo các phương án:
Phương án 1, tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở hiện hành theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành (như rà soát nội dung quy định về premium trong nước...), đồng thời, rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định chi phí… để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.
Phương án 2, sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá (có quy định nguyên tắc vận hành của công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể) để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế của mình (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium...) để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).
Ảnh minh họa |
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận xét, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 của Bộ Công Thương lần này là rất rõ ràng, rất thẳng thắn và không ngại va chạm. Đặc biệt, buổi góp ý có sự hiện diện của các doanh nghiệp đến từ 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, thể hiện sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, từ các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nhân phân phối, đầu mối nhập khẩu, nên cho thấy nhu cầu sửa đổi nghị định này trong cộng đồng doanh nghiệp rất lớn.
Đại diện VCCI cho rằng, Nghị định kinh doanh xăng dầu sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tác động gián tiếp đến doanh nghiệp đang sử dụng nguồn cung xăng dầu và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, VCCI đã hợp tác với Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ trong góp ý xây dựng dự thảo lần này.
"Về quan điểm trong việc soạn thảo nghị định lần này, cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch, từ đó sẽ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân", ông Đậu Anh Tuấn nói.
Đại diện VCCI nhấn mạnh, mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Nghị định 95 và 83 lần này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ.
Liên quan đến quy định về chiết khấu, bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đoan Việt, cho biết: "Chiết khấu tối thiểu là vấn đề quan trọng. Khi chúng tôi có chiết khấu thì thời gian điều hành giá 7 ngày, 10 ngày, 15 ngày cũng là yếu tố xếp hàng thứ 2. Mức chiết khấu tối thiểu để doanh nghiệp bán lẻ hoạt động phải dao động 5 - 7%. Đó là mức tối thiểu".
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, nên quy định mức chiết khấu tối thiểu và xem đó là khoản chi phí nhất định để đảm bảo hoạt động của thị trường xăng dầu được ổn định vì doanh nghiệp là khâu rất quan trọng đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nên mình phải đảm bảo nó được thông suốt.
PGS, TS. Ngô Trí Long nêu quan điểm: "Khi đại lý ký kết hợp đồng làm thương nhân cho một doanh nghiệp đầu mối thì nên có điều khoản quy định mức chiết khẩu tối thiểu. Nên có một sự ràng buộc để đỡ sự chèn ép, đặc biệt khi một đại lý chỉ được lấy từ một nguồn hàng".
Ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) thì đặt vấn đề: "Nếu chúng tôi nhập về còn cao hơn cả giá bán ở xây xăng thì chúng tôi lấy nguồn lực ở đâu để chiết khấu cho khâu bán lẻ? Khi giá bán được phản ánh đầy đủ tất cả các chi phí tạo nguồn, từ giá mua, chi phí bán lẻ, chi phí vận chuyển… thì mặc nhiên bán lẻ sẽ có chiết khấu".
Góp ý để soạn thảo Nghị định, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, Bộ Công Thương cần lý giải rõ tại sao chỉ cho phép thương nhân phân phối chỉ được mua hàng tối đa của 3 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu mà không được mua nhiều hơn, có thể yêu cầu thương nhân phân phối có các điều kiện nhất định thì được mua hàng từ nhiều đầu mối khác nhau (có kho bãi riêng chứa từng nguồn mua, sổ sách đầy đủ…).
Về rà soát các điều kiện kinh doanh xăng dầu, dự thảo Nghị định đưa ra các phương án là trong đó có giữ như quy định hiện hành và có bổ sung quy định siết chặt hơn để khắc phục việc hiểu khác nhau. Tuy nhiên, Hội đề nghị cân nhắc theo phương án xem xét các điều kiện thông thoáng hơn cho việc phát triển các doanh nghiệp, tăng cường cạnh tranh như mục tiêu hiện nay cũng như lâu dài đặt ra.
Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ (nhất là đối với Bộ Tài chính), tiếp tục nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến đối với các đối tượng bị tác động trực tiếp và mở các cuộc họp, hội nghị lấy ý kiến để tiếp thu hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét ban hành theo tiến độ.
Vị chuyên gia này cho rằng, Quỹ chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt khi Nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu. Cần rút ngắn thời gian điều hành giá, tái cấu trúc thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh hơn.