Theo ông Ranjeev Menon, Giám đốc điều hành tập đoàn của GWC - công ty cung ứng và hậu cần hàng đầu có trụ sở tại Qatar, chuỗi cung ứng toàn cầu đang phục hồi sau khoảng ba năm khó khăn.
Xung đột, đại dịch và biến đổi khí hậu - các cuộc khủng hoảng xảy ra liên tiếp đã đè nặng lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng đây cũng là cơ hội để các công ty tính toán lại chiến lược của họ, và đầu tư vào các công nghệ giúp họ giải quyết các sóng gió đang nổi lên.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định có 5 thách thức mà mà chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối diện.
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Đầu tiên là lạm phát tăng vọt. Giá cả tăng khiến người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, điều này ảnh hưởng đến nhu cầu nhưng cũng tạo ra sự không chắc chắn khiến các chuyên gia chuỗi cung ứng khó lập kế hoạch.
Thứ hai là tình trạng bất ổn của thị trường lao động. Các cuộc tuần hành và đình công diễn ra trên khắp châu Âu gần đây có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, vận chuyển và kinh doanh trong chuỗi cung ứng.
Thứ ba là vấn đề thiếu năng lượng. Giá năng lượng tăng đã khiến các công ty cũng phải cắt giảm hoạt động sản xuất, khiến việc hoạch định chuỗi cung ứng trở nên phức tạp hơn.
Thứ tư là sự không chắc chắn về địa chính trị. Những căng thẳng và xung đột chính trị đã tạo ra nhiều nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng và các yếu tố không chắc chắn trong tương lai.
Cuối cùng là thời tiết khắc nghiệt. Hiện tượng thời tiết cực đoan và bất thường đã xảy ra ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những khó khăn, nghiên cứu của WEF cũng tiết lộ rằng 77% các nhà kinh tế kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ phản ứng và hóa giải các thách thức bằng những nỗ lực đổi mới và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Theo ông Ranjeev Menon, Giám đốc điều hành tập đoàn của GWC - công ty cung ứng và hậu cần hàng đầu có trụ sở tại Qatar, chuỗi cung ứng toàn cầu đang phục hồi sau khoảng ba năm khó khăn và đã thay đổi rất khác trước đây.
Các công ty đã có những biện pháp thích nghi khác nhau để đa dạng hóa sản xuất và không phụ thuộc vào một nguồn cung ứng hay quốc gia nào. Việc xây dựng một mạng lưới cung ứng thay cho một chuỗi cung ứng duy nhất sẽ làm tăng độ phức tạp vì có nhiều nhà cung cấp các sản phẩm giống nhau. Tuy nhiên, lựa chọn này lại có thể làm giảm rủi ro một khi xảy ra cú sốc về nguồn cung.
Hiện nay, vận tải vẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, với 11 tỷ tấn hàng hóa được vận chuyển trên khắp thế giới mỗi năm. Cảng Antwerp ở Bỉ là cảng phát triển nhanh nhất châu Âu và việc đầu tư vào công nghệ đã giúp cảng quản lý và vận hành lượng hàng hóa khổng lồ. Với diện tích gần 130 km2, cảng Antwerp là cảng lớn thứ 14 trên thế giới và lớn thứ hai ở châu Âu. Chính quyền đang cố gắng biến nơi này trở thành một trong những cảng dẫn đầu thế giới về số hóa.
Ông Erwin Verstraelen, Giám đốc Đổi mới & Thông tin Kỹ thuật số tại cảng Antwerp, cho biết việc thu thập và phân tích dữ liệu giúp các công ty vận chuyển và đường thủy nội địa hoạt động hiệu quả hơn. Trước đây, thông tin liên lạc hàng hải vẫn chủ yếu được thực hiện bằng giọng nói - trên điện thoại và radio, khiến việc theo dõi trở nên khó khăn. Hai năm trước, cảng đã thí điểm dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để biến lời nói thành văn bản.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp logistics đang triển khai hệ thống công nghệ cao để tiết kiệm không gian và thời gian trong hoạt động lưu kho hàng hóa. Một trong những công ty hàng đầu thế giới về đổi mới trong lĩnh vực này là GXO logistics.
Giám đốc đầu tư của GXO, ông Mark Manduca chia sẻ, GXO có hơn 900 nhà kho đang hoạt động tại hơn 28 quốc gia trên toàn cầu, cung cấp cho khách hàng những lựa chọn với tính hiệu quả, tốc độ nhanh hơn và chính xác hơn./.
(theo TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/chuoi-cung-ung-toan-cau-dang-dan-thich-nghi-voi-khung-hoang/846716.vnp