- Dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng đã bổ sung Điều 35 về trách nhiệm đối với dịch vụ cung cấp không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết; trong đó, khoản 4 đã quy định về yêu cầu bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự…
Ảnh minh họa |
Sáng 15/02, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 35 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.
Về trách nhiệm của người tiêu dùng (Điều 5), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, việc bổ sung quy định này sẽ là cơ sở để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 8), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nhóm người nghèo vào dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã bổ sung điểm g bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là người nghèo (“thành viên của hộ nghèo”) tại khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 35 về trách nhiệm đối với dịch vụ cung cấp không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết; trong đó, khoản 4 đã quy định về yêu cầu bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật cũng đã bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định chung về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng (khoản 2 Điều 39); trách nhiệm cụ thể của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian (khoản 3 Điều 39); xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số (khoản 1 Điều 39); thực hiện nghĩa vụ nhận ủy quyền của người tiêu dùng trong quá trình giao dịch trên nền tảng số (điểm n khoản 3 Điều 39)…
Về các vấn đề cần xin ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, về khái niệm người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3), Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề xuất 02 phương án. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất theo Phương án 1, đó là: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, liên quan tới vấn đề thu thập thông tin người tiêu dùng quy định tại khoản 1 Điều 16, cần phải cần nhắc và xem xét thêm bởi hiện nay, nếu quy định như trong dự thảo luật sẽ không phù hợp với các giao dịch điện tử trực tuyến. Khi thực hiện giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến, thông tin người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để có thể thực hiện giao dịch và thường là các thông tin về họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc tài khoản cho phép thanh toán.
Ngoài ra, trong quy định của dự thảo luật có ghi bằng hình thức phù hợp thì cũng mang tính định tính, khó đảm bảo được tính khả thi, quy phạm do khó xác định được thế nào là phù hợp.
Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng vấn đề này cần xem xét để chỉnh lý cho phù hợp với cái thực tiễn và chặt chẽ. Bởi khi mà tiến hành giao dịch thì những thông tin cần thiết rõ ràng phải được điền vào các thông số để thực hiện giao dịch.
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga tán thành với loại ý kiến quy định khái niệm người tiêu dùng là có cả tổ chức. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, phương án này sẽ tạo được cơ chế bảo vệ nhanh chóng, hiệu quả khi xảy ra các trường hợp số đông người tiêu dùng bị thiệt hại do vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh, nhất là các trường hợp như nhà trẻ, trường học, doanh nghiệp mua hàng tiêu dùng như trẻ em, học sinh cho công nhân…
Cho ý kiến về 2 nhóm vấn đề lớn xin ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế thống nhất với quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Theo đó theo quan điểm giữ như quy định hiện hành; đồng thời cho rằng không vì quá trình thực thi ít hay tổ chức có khả năng tự bảo vệ tốt hơn cá nhân mà loại bỏ đối tượng. Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động thêm về năng lực hay kinh phí.
Về giải quyết tranh chấp tại Tòa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng số vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải là ít, không chỉ bảo vệ cá nhân mà bảo vệ tổ chức sản xuất, kinh doanh. Nếu có quy trình rút gọn sẽ thuận lợi bảo vệ nhanh chóng quyền lợi cá nhân tổ chức.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thêm, qua tiếp xúc cử tri cho thấy người dân quan tâm đến quy định liên quan đến Điều 8 của dự thảo Luật quy định đối với các người nghèo và hộ nghèo là đối tượng mà được ưu tiên sử dụng trong sử dụng các dịch vụ công. Cử tri, Nhân dân ủng hộ theo hướng được bảo vệ trong trường hợp các thông tin về dịch vụ công phải bảo đảm chính xác, đầy đủ theo như đăng ký và theo thông báo.
Bên cạnh đó, người dân, những đối tượng yếu thế muốn được giá sử dụng dịch vụ công phù hợp với khả năng chi trả và thu nhập nhất là các đối tượng người nghèo, hộ nghèo.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dẫn chứng từ vấn đề giá điện. Thời gian qua EVN đang kêu lỗ và cho rằng giá điện đang thấp, nhưng là thấp đối với các hộ sản xuất kinh doanh. Giá điện thấp vô hình chung lại khiến các nhà sản xuất thâm dụng năng lượng và đầu tư sản xuất công nghệ không thâm dụng năng lượng, không thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, đối với giá sinh hoạt của những hộ nghèo thì giá điện vẫn là cao. Khi đó, phải có chính sách của Nhà nước để thể hỗ trợ thêm cho các đối tượng người nghèo, hộ nghèo trong các sử dụng dịch vụ công.
Về khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ghi nhận cơ quan soạn thảo vào cơ quan thẩm tra đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để bổ sung trách nhiệm của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên cần làm rõ trách nhiệm đến đâu, có phải bồi thường không…
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát lại, xem xét ngoài 2 vấn đề lớn hiện nay còn có vấn đề nào khác cần xin ý kiến nữa không.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, hiện nay có tình trạng trong giai đoạn 2 của quy trình lập pháp lại sa vào các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong khi đó, còn nhiều vấn đề cần bám sát vào những nguyên tắc, quan điểm, định hướng, mục tiêu sửa luật để xem các điều khoản sửa đổi có đáp ứng được yêu cầu đặt ra hay không thì lại ít quan tâm.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đối với những vấn đề xin ý kiến cần xin ý kiến những vấn đề lớn quan trọng và qua quá trình thảo luận cho đến nay so với mục tiêu, yêu cầu của luật cần gì phải hoàn thiện sửa đổi, bổ sung hay không để bảo đảm xem xét căn cơ.
Về các vấn đề xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ căn cứ để lựa chọn, thực tiễn thi hành pháp luật theo đặc thù của Việt Nam, tính hiệu quả và khả thi, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển một cách lành mạnh kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, khi tập trung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được làm phương hại đến quyền nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có liên quan và nhất là vấn đề chi phí tuân thủ pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát theo hướng đó không tạo thêm những gánh nặng chi phí vô lý và phải bảo đảm ngang bằng với quyền lợi và không được phương hại đến lợi ích của người cung cấp hàng hóa sản phẩm, dịch vụ.
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện các tài liệu theo quy định; chuẩn bị Hồ sơ xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các cơ quan hữu quan, tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luận, hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.