- Dù sẽ mất thêm nhiều thời gian, đổ thêm nhiều nhân tài, vật lực nhưng việc mở rộng môi trường thanh toán số thuận tiện sẽ là yếu tố tiên quyết giúp VNPT Money giành được những thắng lợi mới, mở rộng thị phần cũng như góp phần mạnh mẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại Việt Nam…
Năm 2022 được coi là một năm “bùng nổ” của lĩnh vực tài chính số với kết quả giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị.
Đặc biệt ấn tượng là dịch vụ Mobile money. Theo thống kê mới nhất, khách hàng thí điểm sử dụng dịch vụ này là 2,34 triệu tài khoản, trong đó có 1,62 triệu tài khoản mở ở khu vực nông thôn, hải đảo, chiếm 69,23% tổng số tài khoản mobile money.
Đóng góp vào sự thành công nói trên không thể không nói đến vai trò của các tổ chức thanh toán tài chính trung gian – cánh tay nối dài của ngành ngân hàng.
Nhân dịp đầu năm mới, VnMedia đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Đăng Thắng, Giám đốc Trung tâm VNPT Fintech, Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media), một đơn vị tiên phong trong cung cấp dịch vụ Mobile Money.
Ông Nguyễn Đăng Thắng - Giám đốc Trung tâm VNPT Fintech, Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) |
PV: Thưa ông, Tập đoàn VNPT là đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên bằng Mobile Money - VNPT Money trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia VNPT và hiện cũng là đơn vị duy nhất cung cấp đầy đủ các phương thức thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ông có thể chia sẻ đôi điều về điểm đặc biệt này với độc giả của VnMedia?
Ông Nguyễn Đăng Thắng: Tham gia vào quá trình xây dựng Cổng DVCQG ngay từ những ngày đầu, VNPT Money là đơn vị đầu tiên tích hợp để thanh toán toàn bộ dịch vụ dành cho công dân trên Cổng DVCQG. Chúng tôi còn là đơn vị xây dựng và vận hành toàn bộ nền tảng thanh toán (Payment Platform) cho Cổng DVCQG, đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý hàng chục nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến trên hệ thống Cổng.
VNPT cũng tự hào là đơn vị đầu tiên cung cấp phương thức thanh toán qua Mobile Money trên nền tảng Payment Platform của Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bên cạnh các hình thức thanh toán hiện tại như: tài khoản/thẻ ATM/ ví điện tử, giờ đây người dùng có thêm một kênh thanh toán mới Đơn giản - An toàn - Tiện lợi để sử dụng đó chính là Mobile Money – VNPT Money.
Đây là nỗ lực của VNPT trong việc đa dạng các hình thức thanh toán, góp phần tối ưu trải nghiệm người dùng cũng như từng bước nâng cao hiệu hiệu quả thanh toán điện tử, hướng tới xây dựng nền kinh tế số cũng như Chính phủ số.
Chúng tôi cũng cảm thấy được khích lệ khi VNPT Money được đánh giá là kênh thanh toán được nhiều người dân tin tưởng lựa chọn khi thanh toán các dịch vụ công trên Cổng. Đến thời điểm hiện tại, VNPT cũng là đơn vị duy nhất cung cấp đầy đủ các Phương thức thanh toán trên Cổng DVCQG, bao gồm cả loại hình thanh toán mới nhất qua Tiền di động (Mobile Money).
Để đạt được những thành quả bước đầu đáng ghi nhận, trong quá trình triển khai VNPT Money, đơn vị đã gặp những khó khăn, thuận lợi gì?
- Khó khăn đầu tiên và lớn nhất của không chỉ riêng VNPT Money mà của tất cả các tổ chức tín dụng hay đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian, đó là việc thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong mua sắm tiêu dùng cũng như thanh toán các dịch vụ của người dân.
Việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch hàng ngày và điều này càng phổ biến hơn ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngay cả trong các giao dịch thương mại điện tử thì thì thanh toán điện tử vẫn ở mức thấp. Đa phần người dân thực hiện mua sắm bằng hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng – COD. Nguyên nhân chính là do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã đi sâu vào tiềm thức của người dân, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới cũng như lo ngại về an ninh an toàn khi thực hiện mua sắm trực tuyến…
Đây chính là rào cản lớn để hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và để VNPT Money phát triển nói riêng.
Tuy nhiên, VNPT cũng có nhiều lợi thế trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt. Đó chính là kinh nghiệm, sự thấu hiểu khách hàng nhờ đã từng phổ cập thành công dịch vụ viễn thông tới người dân mọi vùng miền Tổ quốc từ nhiều năm trước. Và sau đó, VNPT cũng đã triển khai thành công dịch vụ tài chính số trong những năm gần đây cho hơn 6 triệu khách hàng ví điện tử.
Ngoài ra, VNPT có thế mạnh về hệ sinh thái dịch vụ số cá nhân và số doanh nghiệp đa dạng, với hơn 30 triệu khách hàng trung thành, cùng đội ngũ nhân lực dồi dào có chuyên môn cao, nhiệt huyết. VNPT Money hiện hỗ trợ thanh toán tại hơn 500.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code của VNPay, Payoo, Vietcombank, HDBank, Điện lực EVN, Xăng dầu... trên toàn quốc.
Tính đến nay, VNPT có gần 1 triệu người dùng Mobile Money, trong đó 69% là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Số điểm kinh doanh Mobile Money của VNPT hiện có khoảng hơn 3.000 điểm và hơn 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán Mobile Money trên cả nước.
Tới hiện tại, VNPT Money của VNPT cũng là đơn vị duy nhất cung cấp kênh thanh toán qua Mobile Money trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, phục vụ người dân thanh toán cho gần 5.000 dịch vụ công cấp độ 4.
Đặc biệt là lợi thế về mặt công nghệ. Kế thừa kinh nghiệm triển khai hạ tầng kỹ thuật kinh doanh trên phạm vi toàn quốc, VNPT đặc biệt chú trọng và không ngừng đầu tư, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm đáp ứng những đòi hỏi khắt khe trong quá trình triển khai dịch vụ mobile money như: công nghệ định danh điện tử eKYC với độ chính xác cao; các giải pháp dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) máy học (Machine learning); các giải pháp thanh toán không tiếp xúc: NFC, sóng âm, QR Code, sinh trắc học, đáp ứng tiêu chuẩn PCI-DSS. Tất cả đều nhằm mục đích nâng cao tối đa trải nghiệm khách hàng và đảm bảo độ an toàn trong sử dụng dịch vụ.
- Chính sách luôn là vấn đề lớn nhất có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của một lĩnh vực, đặc biệt là còn mới như thanh toán không dùng tiền mặt. Từ việc triển khai tực tế, VNPT có mong muốn, đề xuất gì về mặt chính sách để có thể phát triển thuận lợi hơn trong lĩnh vực tài chính số?
Hạn mức giao dịch là vấn đề mà VNPT cũng như các đối tác của chúng tôi đặc biệt quan tâm. Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/3021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) quy định hạn mức rút tiền, chuyển tiền, thanh toán là 10 triệu VNĐ/tháng/khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu thanh toán, giao dịch của người dân đã dần dần cao hơn. Do vậy, chúng tôi mong muốn có chính sách nới hạn mức giao dịch cho khách hàng Mobile Money để tạo thuận lợi cho các giao dịch của người dân.
Vấn đề thứ hai, đó là theo quy định hiện hành, các thuê bao chỉ được phép chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money trong cùng hệ thống của nhà mạng. Nếu được phép chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money liên thông giữa các nhà mạng thì đây sẽ là vấn đề mấu chốt để thu hút người dân tiếp nhận và sử dụng Mobile Money. Việc thay đổi thói quen thanh toán của người dân cần phải xuất phát từ việc cho họ thấy được lợi ích và tính tiện dụng của dịch vụ.
- Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của thời đại nhưng cũng cần có lộ trình phù hợp. Là một đơn vị thuộc một Tập đoàn lớn trong lĩnh vực CNTT và hiện cũng đang là đơn vị tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ tài chính số, trong thời gian tới, VNPT Money sẽ phát triển theo hướng nào? Có tham vọng nào mà ông cho là sẽ rất khó khăn nhưng VNPT vẫn mong muốn chinh phục?
Trong thời gian tới, trước hết, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện mục tiêu mọi khách hàng hiện đang là thuê bao VinaPhone đều sở hữu một tài khoản VNPT Money để phục vụ trước tiên cho nhu cầu chuyển đổi số cho các dịch vụ nội bộ của Tập đoàn VNPT.
Chúng tôi cũng sẽ tích cực cùng Tập đoàn VNPT tham gia vào công cuộc chuyển đổi cho các cơ quan, bộ ban ngành thông qua việc hoàn thiện các dịch vụ trong đó VNPT Money đóng 2 vai trò: Thứ 1 xây dựng giải pháp Payment Platform giúp cho các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Thứ 2 phổ cập giải pháp thanh toán Mobile Money đến với mọi người dân trên cả nước để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số phát triển tại Việt Nam.
Dù sẽ mất thêm nhiều thời gian, đổ thêm nhiều nhân tài, vật lực nhưng việc mở rộng môi trường thanh toán số thuận tiện sẽ là yếu tố tiên quyết giúp VNPT Money giành được những thắng lợi mới, mở rộng thị phần cũng như góp phần mạnh mẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông và chúc ông cùng đơn vị có một năm mới thành công!
VNPT Money là hệ sinh thái tài chính số toàn diện, bao gồm các dịch vụ tiền di động, ví điện tử và tài khoản ngân hàng, VNPT Money cho phép người dùng có thể nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán đơn giản, an toàn, tiện lợi, không cần tiền mặt. Tận dụng được ưu thế của các loại hình thanh toán số đang được phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu này, VNPT Money hiện đang là một trong những hệ sinh thái tài chính số hàng đầu tại Việt Nam… Tính đến tháng 12/2022, gần 5000 DVC, thủ tục hành chính, dịch vụ thiết yếu; 63 tỉnh/ thành phố và 21 Bộ Ngành đã đồng bộ dữ liệu và cho phép thanh toán các dịch vụ công qua nền tảng Payment Platform. VNPT Money hiện có kết nối tới 40 ngân hàng, 8 trung gian thanh toán cho phép người dân thanh toán qua tài khoản/ thẻ/ ví điện tử/ Mobile Money. Đồng bộ hơn 150 triệu hồ sơ, trong đó gần 7 triệu hồ sơ thực hiện qua Cổng DVCQG; trên 1 triệu 500 nghìn giao dịch thanh toán thành công, tổng số tiền thanh toán lên đến gần 3000 tỷ đồng, tiết kiệm cho xã hội hàng chục nghìn tỷ đồng/năm |