- Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1 về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Ảnh minh họa |
Thông tư nêu rõ: Tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội bao gồm các khoản hiến, tặng cho, tài trợ của tổ chức, cá nhân cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội dưới hình thức bằng tiền (tiền mặt và chuyển khoản); bằng các loại giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo Thông tư 04, đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao thực hiện tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và họa động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Thông tư cũng quy định, đối với việc tiếp nhận tiền mặt, phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.
Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.
Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích thì thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung;
Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để đảm bảo việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội đã tiếp nhận.
Đối với việc tiếp nhận giấy tờ có giá, phải mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành.
Tương tự, khi tiếp nhận kim khí quý, đá quý cũng phải mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quá và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến tặng cung cấp....