Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn cho biết, trong dự án Luật có một số điểm mới bổ sung về nhà ở xã hội có tác động tích cực đến thị trường.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn cho biết, trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới bổ sung về nhà ở xã hội có tác động tích cực đến thị trường.
Trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới bổ sung về nhà ở xã hội có tác động tích cực đến thị trường (ảnh minh họa: Internet). |
Thứ nhất, dự án Luật bổ sung nội dung phát triển nhà Lưu trú công nhân tại mục 3 (từ Điều 98 - Điều 107) về phát triển nhà Lưu trú cho công nhân, tháo gỡ những vướng mắc trên thực tế về phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiêp hàng chục năm nay. Theo quy định mới này, Nhà Lưu trú cho công nhân cũng được ưu đãi như: được giao đất không thu tiền sử dụng đất; được miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đã như nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, để hoàn chỉnh dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn đề nghị giải quyết vướng mắc thực tế về ưu đãi “giao đất không thu tiền sử dụng đất” khi xây dựng nhà Lưu trú công nhân. Vì thực tế, nhà lưu trú công nhân được quy hoạch trên đất dịch vụ của Khu công nghiệp, chủ đầu tư phải thuê đất và đã trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê rồi thì chủ đầu tư được thực hiện trả lại tiền sử dụng đất như thế nào? Nếu không thực tế vẫn vướng mắc “cho mà như không cho vì không thực hiện được”.
Thứ hai, trong dự án Luật bổ sung ưu đãi về lãi thu được từ kinh doanh diện tích 20% xây dựng nhà ở thương mại được hạch toán riêng dùng để hỗ trợ xây dựng hỗ trợ kỹ thuật của dự án.
Tại Khoản 3 Điều 9 của Dự thảo Luật Nhà ở: “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức quy định tại các điểm a, b và đ khoản 1 Điều 40 của Luật này được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để kinh doanh. Phần kinh doanh diện tích nhà ở thương mại này được hạch toán riêng và dùng để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án”.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn. |
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn, quy định mới này hỗ trợ thêm cho Chủ đầu tư để khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh thêm đề nghị điều chỉnh Khoản 4 Điều 98 cho tương thích với Khoản 3 để cũng “được hạch toán riêng và dùng để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án”.
Ngoài ra, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn đề nghị điều chỉnh thêm tình huống diện tích đất nhỏ không dành riêng được 20% đất ở thì giải quyết thế nào? Vì theo quy định khoản a và b Điều 40 là công trình độc lập: “a) Dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, xây dựng lại một công trình nhà ở độc lập hoặc một cụm công trình nhà ở; b) Dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào mục đích khác".
Thứ ba: Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) còn bổ sung việc dành 10% tiền sử dụngđất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để bổ sung vào Quỹ đầu tư phát triển của địa phương dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho thuê quy định tại Khoản 3 Điều 91: “Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để bổ sung vào một khoản mục riêng trong Quỹ đầu tư phát triển của địa phương, dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của dự án; đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn theo quy định của Chính phủ và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê theo quy định tại khoản 1 Điều 89 của Luật này”. Quy định này bổ sung nguồn vốn để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho thuê.
Thứ tư, trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) còn thay nội dung “được miễn tiền sử dụng đất” bằng nội dung “được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất” giúp giảm thủ tục và thời gian thực hiện (Khoản 1 Điều 93).
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn cho rằng, thực tế, chủ đầu tư được “miễn tiền sử dụng đất” nhưng chủ đầu tư vẫn phải làm thủ tục tính tiền sử dụng đất (thuê định giá độc lập, tổ chức hội đồng định giá..) tốn nhiều thời gian và chi phí, nhanh nhất là 6 tháng. Còn nay, trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định “được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất” sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí, giúp đẩy nhanh triển khai dự án.
Theo quochoi.vn