- "Đất nước này không thể chấp nhận việc đó, không để kiểu kinh doanh như vậy, trong lúc người dân tích cực hưởng ứng và rất trông đợi", Thủ tướng nhấn mạnh khi nói về tình trạng tài nguyên của nhà nước giao tư nhân quản lý bị lợi dụng để “bắt chẹt” nâng giá…
Tối 28/1, tại Nghệ An, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện 10 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 1 (2017-2020) và giai đoạn 2 (2021-2025) từ Ninh Bình đến Quảng Trị, trong đó 1 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang triển khai.
Lấy lại được tiến độ các dự án
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông đoạn từ Ninh Bình đến Quảng Trị có tổng chiều dài là 480,5 km qua địa bàn các tỉnh Nam Định (5,2 km), Ninh Bình (24,5 km), Thanh Hóa (98,8 km), Nghệ An (87,9 km), Hà Tĩnh (107,14 km), Quảng Bình (124,41 km), Quảng Trị (32,53 km); được chia thành 10 dự án thành phần thuộc 02 giai đoạn. Quy mô đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh 06 làn xe cao tốc, phân kỳ đầu tư 04 làn xe với bề rộng nền đường 17 m.
Trong đó, giai đoạn 1 (2017–2020) có tổng chiều dài là 221,2 km gồm 05 dự án thành phần (01 dự án đầu tư PPP và 04 dự án đầu tư công): Dự án Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt.
Giai đoạn 2 (2021-2025) có tổng chiều dài là 259,3 km gồm 05 dự án thành phần đầu tư công qua địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị: Dự án Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, Vạn Ninh-Cam Lộ.
Trong 05 dự án thành phần của giai đoạn 1, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn (dài 15,2 km) đã hoàn thành vào đầu năm 2022; 04 dự án còn lại đang triển khai thi công, trong đó đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45 (dài 63,37 km) dự kiến hoàn thành ngày 30/4/2023; đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn (dài 43,28 km) và đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu (dài 50 km) hoàn thành vào quý III/2023; đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt (dài 49,3 km) hoàn thành vào Quý II/2024.
Cụ thể, đoạn Mai Sơn–Quốc lộ 45 gồm 05 gói thầu xây lắp; lũy kế sản lượng đến nay là 6.275,18/7.237,13 tỷ đồng (86,7% giá trị hợp đồng). Giải ngân xây lắp lũy kế đạt 6.159,01/7.237,14 tỷ đồng (85,1% giá trị hợp đồng).
Đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn gồm 03 gói thầu xây lắp; lũy kế sản lượng đến nay là 1.828,225/3.117,31 tỷ đồng (58,65% giá trị hợp đồng). Giải ngân xây lắp lũy kế đạt 1.911,27/3.117,31 tỷ đồng (61,31% giá trị hợp đồng).
Đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu gồm 04 gói thầu xây lắp; lũy kế sản lượng đến nay là 2.786,50/4.395,95 tỷ đồng (63,4% giá trị hợp đồng). Giải ngân xây lắp lũy kế đạt 2.848,10/4.395,95 tỷ đồng (64,8% giá trị hợp đồng).
Đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt (dự án PPP) gồm 04 gói thầu xây lắp; lũy kế sản lượng đến nay là 2.136,0/8.595,05 tỷ đồng (25,0% giá trị hợp đồng). Lũy kế giải ngân xây lắp đạt 1.751,87/8.595,05 tỷ đồng (20,38% giá trị hợp đồng).
Về các dự án thuộc giai đoạn 2, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 189,43/259,12 km đạt 73%, đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công và đang tiếp tục thực hiện để bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng vào quý II năm 2023. Các địa phương đang lập phê duyệt phương án di dời hạ tầng kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thi công để di dời trong quý II năm 2023.
5 dự án giai đoạn 2 (từ Hà Tĩnh tới Quảng Trị) được chia thành 9 gói thầu xây lắp, trong đó 8/9 gói thầu đã ký kết hợp đồng xây lắp, còn lại 1 gói thầu thuộc dự án Vũng Áng-Bùng dự kiến sẽ ký hợp đồng ngày 06/02/2023.
Với các gói thầu đã ký kết hợp đồng, các nhà thầu đang lập kế hoạch triển khai, tổ chức khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, xây dựng lán trại, hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ…. một số gói thầu đã tổ chức triển khai thi công (đường công vụ, đào bóc hữu cơ, chuẩn bị mặt bằng để lắp đặt trạm trộn).
Một vấn đề đặt ra tại các dự án giai đoạn 2 là vật liệu xây dựng. Các mỏ đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ 5 dự án nhưng về khả năng khai thác, cung ứng đối với vật liệu cát theo giấy phép khai thác như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án. Do đó, cần được áp dụng cơ chế đặc thù để nâng công suất khai thác lớn hơn mới đáp ứng tiến độ dự án.
Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì làm việc với Bộ GTVT và có Thông báo số 167/TB-BTNMT ngày 25/11/2022, theo đó "Đối với các khu mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án thuộc các hạng mục của Dự án được phê duyệt theo quy định thì thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Đất đai, các địa phương sẽ tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định, kinh phí được sử dụng từ nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng của Dự án". Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn chưa rõ một số nội dung.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, các dự án trước đây chậm tiến độ đến nay đã lấy lại được tiến độ, với chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp đồng bộ được các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp liên quan triển khai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Không chấp nhận kiểu kinh doanh tư nhân "bắt chẹt" nhà nước
Kết luận cuộc họp kết thúc lúc 21h tối, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, sự đồng thuận, hưởng ứng, vào cuộc tích cực của người dân.
Về một số vấn đề nổi lên qua khảo sát thực tế, Thủ tướng cho biết, người dân khẳng định "rất sẵn sàng nhường đất, nhưng giải phóng mặt bằng phải nhanh để ổn định cuộc sống".
Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, khẩn trương giải quyết các vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Vấn đề nguyên vật liệu cho các dự án, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nguyên vật liệu cho các dự án, tinh thần là cắt giảm tối đa khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp;
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc cấp các mỏ nguyên vật liệu, xử lý nghiêm các sai phạm, không để tình trạng tài nguyên là của đất nước nhưng nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân quản lý và họ lợi dụng để "bắt chẹt", nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
"Đất nước này không thể chấp nhận việc đó, không để kiểu kinh doanh như vậy, trong lúc người dân tích cực hưởng ứng và rất trông đợi", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu với các dự án cao tốc nói chung cần tránh tình trạng chia quá nhỏ các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực.
Rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, Thủ tướng đã yêu cầu mỗi gói thầu trong giai đoạn 2 ít nhất phải khoảng 50 km. Từng cảnh báo vấn đề này cách đây 1 năm, ông đề nghị Bộ Công an vào cuộc để làm rõ, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
Với các đơn vị tư vấn, Thủ tướng yêu cầu tránh tình trạng "ăn xổi ở thì", như cao tốc chỉ làm 2 làn đường, vừa làm xong đã phải làm lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; cao tốc ít nhất phải có 4 làn xe hoàn chỉnh với các nút giao, điểm dừng, làn dừng… nhân đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT xử lý ngay tình trạng mất vệ sinh môi trường ở các điểm dừng trên cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc thi công các dự án bảo đảm an toàn; tiến độ; chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường; không đội giá; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; quan tâm đời sống công nhân.
Thủ tướng một lần nữa lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, "qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi".