Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2022: Có 2 nhóm giảm nhưng tới 9 nhóm tăng

0
0

 - Thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về chỉ số giá tiêu dùng cho biết, so với tháng trước, CPI tháng 12/2022 giảm 0,01% (khu vực thành thị tăng 0,04%; khu vực nông thôn giảm 0,07%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 2 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước và 9 nhóm hàng tăng giá.

CPI
 

Cụ thể, so với tháng trước, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,15%, trong đó giá lương thực tăng cao nhất với 0,48%. Giá gạo tăng nhẹ do giá xuất khẩu ổn định ở mức cao cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp cuối năm; Giá nguyên liệu đầu vào tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến như giá bánh mỳ, miến hay đặc biệt là mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 1,24%...

Giá thực phẩm tháng 12 tăng 0,05%, trong đó giá rau tươi tăng mạnh do ở các tỉnh phía Bắc ít mưa, thời tiết rét đậm trong khi các tỉnh miền Trung mưa nhiều khiến nhiều loại rau phát triển chậm, sâu bệnh phát triển nhiều nên sản lượng rau giảm.

Trong khi đó, giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,35% so với tháng trước và thủy sản chế biến tăng 0,46% do nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng. Giá thịt hộp và thịt chế biến khác lần lượt tăng so với tháng trước 0,26% và 0,17% do nhu cầu tăng vào dịp lễ, Tết cuối năm…

Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, nhóm các mặt hàng giảm giá có thịt gia súc giảm 1,1% so với tháng trước, trong đó giá thịt lợn tháng 12/2022 tiếp tục giảm 1,59%, làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm. Giá thịt lợn giảm được cho là do nguồn cung tăng trong khi sức mua thực phẩm của người dân không cao, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm quy mô sản xuất nên số lượng lao động giảm, sức tiêu thụ thịt lợn của các khu công nghiệp giảm..

Giá thịt gia cầm tươi sống tháng 12 cũng giảm 0,38% so với tháng trước, trong đó giá thịt gà giảm 0,35%; thịt gia cầm khác giảm 0,52%; Giá trứng các loại giảm 0,16% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá nhóm ăn uống ngoài gia đình trong tháng 12 lại tăng 0,26% ; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,45% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch năm 2023 cũng như chuẩn bị nguồn hàng đón Tết Nguyên đán sắp tới.

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 12/2022 tăng 0,41% so với tháng trước do trong tháng có nhiều cửa hàng, siêu thị đã kết thúc các chương trình khuyến mãi giảm giá, cùng với đó nhu cầu mua sắm quần áo mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch cao nên các cửa hàng tăng giá bán.

Trong tháng cuối năm, giá thuộc nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 0,66% so với tháng trước, trong đó giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,35% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm, do giá đá, cát, gạch, xi măng tăng nhẹ.

Giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,57% so với tháng trước do nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng nhà ở tăng vào dịp cuối năm.

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 12/2022 giảm mạnh tới 2,78% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,27 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong nước theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 01/12/2022, 12/12/2022 và ngày 21/12/2022 làm cho giá xăng giảm 7,29%; dầu diezen giảm 10,64%, trong đó giá xăng A95 giảm 3.080 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 2.700 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 3.200 đồng/lít.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng tháng Mười Hai tăng 0,22% so với tháng trước; dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân và dịch vụ giao thông công cộng cùng tăng 0,08%.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 12/2022 tăng 0,32% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,35% do một số cơ sở giáo dục ngoài công lập điều chỉnh mức tăng học phí.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng, giảm đan xen. Tính đến ngày 25/12/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.804,19 USD/ounce, tăng 4,18% so với tháng 11/2022. Giá vàng tăng do lạm phát Mỹ tháng 11 đã hạ nhiệt, đồng đô la Mỹ suy yếu. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2022 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 4,16% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 5,74%.

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới biến động tăng, giảm đan xen. Trong cuộc họp chính sách ngày 14/12/2022, FED đã quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%. Tuy nhiên, sau khi lạm phát Mỹ trong tháng 11 thấp hơn dự kiến đã khiến đồng đô la Mỹ giảm mạnh. Tính đến ngày 25/12/2022, chỉ số đô la Mỹ bình quân tháng 12/2022 trên thị trường quốc tế đạt mức 104,51 điểm, giảm 3,2 điểm so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.235 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2022 giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 2,09%.

Tổng cục Thống kê nhận định, trong năm 2022 mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên áp lực lạm phát năm 2023 là rất lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga - Ucraina vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng. Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc


Giá vàng tiếp đà giảm phiên thứ 3 liên tiếp

(VnMedia) - Chốt phiên làm việc rạng sáng nay (25/4), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã tiếp tục giảm thêm gần 6 USD/ounce. Đây là phiên đi xuống thứ 3 liên tiếp trên thị trường kim loại quý này.

Lỗ hổng nghiêm trọng ảnh hưởng đến hơn 300 nghìn trang web WordPress

(VnMedia) - CERT của Nhật Bản mới đây đã cảnh báo về lỗ hổng nghiêm trọng (CVE-2024-28890, CVSS v3: 9.8) trong Forminator có thể cho phép tin tặc từ xa tải phần mềm độc hại lên các trang web bằng cách sử dụng plugin.

Lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 3,5% vào năm 2024

(VnMedia) – Ngân hàng Thế giới dự báo, lạm phát sẽ tăng nhẹ từ mức bình quân 3,2% năm 2023 lên 3,5% vào năm 2024. Trong khi đó, lạm phát CPI sẽ chững lại còn 3% trong năm 2025 và 2026, dựa trên kỳ vọng giá năng lượng và nguyên liệu sẽ ổn đinh.

4 thay đổi quan trọng về BHYT có hiệu lực từ 1/7/2024 người dân cần biết

(VnMedia) - Do liên quan đến sự điều chỉnh trong cải cách tiền lương nên có một số thay đổi về chính sách trong đó có BHYT kể từ ngày 1/7/2024.

Giải pháp an toàn thông tin toàn diện - Lá chắn trong kỷ nguyên số

(VnMedia) - Đây là chủ đề của buổi hội thảo vừa được VNPT VinaPhone Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với sự tham gia của các diễn giả là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng…