- Theo Bộ Công Thương, năm nay, kinh tế đã khởi sắc, người dân bắt đầu “mạnh tay” với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái…
Ngày 8/12/2022, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, kết hợp với phiên họp thường kỳ của Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 12.
Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đánQuý Mão được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai.
Ước tính, dự trữ hàng hoá tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.
Theo Bộ Công Thương, năm nay, kinh tế đã khởi sắc, người dân bắt đầu “mạnh tay” với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ NN&PTNT cho hay, tình hình sản xuất các mặt hàng nông sản thực phẩm năm 2022 tương đối thuận lợi, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thiết yếu dồi dào nên bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, chuẩn bị cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp cận vốn vay ngân hàng để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Còn theo Bộ Tài chính, tình hình giá cả hàng hóa nói chung hiện không có diễn biến bất thường, lạm phát đang trong giới hạn kiểm soát của Chính phủ. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chỉ đạo các Sở Tài chính địa phương triển khai các biện pháp giám sát biến động giá hàng hóa và bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết.
Thời gian tới, do thị trường hàng hóa thế giới còn tiềm ẩn nhiều bất ổn sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa trong nước và xuất khẩu của Việt Nam theo hướng bất lợi do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.
Bên cạnh đó, năm nay, Tết Nguyên đán rất gần với Tết dương lịch (cách nhau 20 ngày) nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân đón Tết cần được tích cực triển khai từ sớm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất (nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng) bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, trong đó chú trọng tới mặt hàng thịt lợn để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thươngtheo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tại các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.
Với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề phối chỉ đạo Sở Công Thương và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Chính quyền địa phương tạo điều kiện, thông thoáng về giao thông giúp lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ được xuyên suốt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão.
Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các đơn vị chức năng về Khoa học công nghệ tăng cường kiểm định, kiểm tra, giám sát, đo lường tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo phục vụ người tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị các đơn vị kinh doanh thương mại chủ động triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo, vùng sâu vùng xa nhằm cung ứng tốt hàng hóa thuộc diện bình ổn thị trường nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân; Tích cực tham gia các Chương trình hỗ trợ cho người dân diện chính sách, người dân ở các vùng bị thiệt hại do bão, lũ.
Ông Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh.
Các Hiệp hội ngành hàng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, kinh doanh; chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu và tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.
Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương được yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.