- VNPT đã không ngừng vươn lên, đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền và nền kinh tế số tại Việt Nam, trong đó có đóng góp không nhỏ vào những thành công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia thông qua hệ sinh thái tài chính số VNPT Money.
Ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia, với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.
Đặc biệt, Đề án hướng tới thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Được khai trương ngày 9/12/2019, đến nay Cổng DVCQG đã có trên 61 triệu lượt truy cập; trên 16,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. Về quy trình thanh toán trực tuyến, trên cơ sở yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về quy trình, thủ tục, Tập đoàn VNPT đã phối hợp với các cơ quan để xây dựng phần mềm tích hợp thanh toán trên Cổng DVCQG.
Một trong những điểm đặc biệt đáng chú ý của Cổng DVCQG chính là thanh toán trực tuyến các loại phí. Được triển khai từ tháng 3/2020, tuy thời gian không dài nhưng sau 6 tháng hoạt động, đến ngày 7/9/2020, đã có hơn 11.000 hồ sơ giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó tập trung chủ yếu trong tháng 7, 8/2020 khoảng 4.000 giao dịch với giá trị khoảng 5 tỷ đồng/tháng.
Cũng kể từ đó, thủ tục thanh toán trực tuyến ngày càng tốt hơn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh đã chủ động tích hợp, đồng bộ các TTHC, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia, cho phép người dân, DN thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí.
Tháng 9/2020, có 45/63 địa phương, 7 bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành tích hợp, sử dụng Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG; có 4 ngân hàng và 4 tổ chức trung gian thanh toán, trong đó đứng đầu là VNPT Pay của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), hoàn thành tích hợp bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán thông qua tài khoản của 38/46 ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam.
Nhưng chỉ từ ngày 20/9 đến ngày 20/10/2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 370.000 tài khoản đăng ký; trên 12 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 689.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ Cổng; hơn 739.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 300.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 234 tỷ đồng.
Những con số này đã chứng minh chủ trương đẩy mạnh thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và những mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Vai trò đặc biệt của tổ chức trung gian thanh toán không dùng tiền mặt
Tham gia vào quá trình xây dựng Cổng DVCQG ngay từ những ngày đầu, VNPT Money là đơn vị đầu tiên tích hợp để thanh toán toàn bộ dịch vụ dành cho công dân trên Cổng DVCQG. Đây còn là đơn vị xây dựng và vận hành toàn bộ nền tảng thanh toán (Payment Platform) cho Cổng DVCQG, đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý hàng chục nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến trên hệ thống Cổng.
Tích hợp thêm phương thức thanh toán Mobile Money vào nền tảng Payment Platform trên Cổng DVCQG được kỳ vọng tạo nên những giá trị to lớn hơn nữa cho công cuộc chuyển đổi số nền kinh tế của quốc gia. Với dịch vụ Mobile Money, VNPT mang đến cho khách hàng một trải nghiệm tài chính Đơn giản - An toàn - Tiện lợi và dễ tiếp cận, xóa bỏ những rào cản vốn có trong lĩnh vực dịch vụ tài chính số. Khách hàng có thể sử dụng thuê bao VinaPhone của mình như một tài khoản ngân hàng, với đầy đủ chức năng: Nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán mọi dịch vụ. Nhờ đặc điểm này, Mobile Money phù hợp với mọi tầng lớp người dân trên khắp mọi miền đất nước.
Ngày 01/12/2021, Tập đoàn VNPT trở thành đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên bằng Mobile Money - VNPT Money trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Việc này đánh dấu mốc quan trọng của VNPT trong quá trình đồng hành cùng Chính phủ góp phần hoàn thiện chiến lược thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam.
VNPT Money được đánh giá là kênh thanh toán được nhiều người dân tin tưởng lựa chọn khi thanh toán các dịch vụ công trên Cổng. Đến thời điểm hiện tại, VNPT cũng là đơn vị duy nhất cung cấp đầy đủ các Phương thức thanh toán trên Cổng DVCQG, bao gồm cả loại hình thanh toán mới nhất qua Tiền di động (Mobile Money). Người dân sử dụng VNPT Money để thanh toán trên Cổng DVCQG có thể tùy chọn nhiều phương thức thanh toán như: Thanh toán qua ví điện tử, qua thẻ/tài khoản của gần 40 ngân hàng phổ biến tại Việt Nam được VNPT Money tích hợp sẵn, và cả loại hình thanh toán mới nhất qua Tiền di động (Mobile Money).
Với nửa triệu người dùng Mobile Money tính tới hiện tại, trong đó hơn 50% là người dân sống tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT khẳng định, vai trò của Mobile Money là một “cánh tay nối dài của dịch vụ ngân hàng truyền thống”, giúp tiếp cận tốt và mang dịch vụ tài chính số tới gần hơn với người dân ở các vùng miền hẻo lánh.
Khát vọng lớn, nỗ lực từng ngày cùng tầm nhìn lựa chọn đúng hướng đi đã giúp VNPT khẳng định được vai trò tiên phong trong lộ trình xây dựng một "Việt Nam số". Định hướng được Ban lãnh đạo Tập đoàn đưa ra từ năm 2017 là phải trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm dịch vụ Số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030.
Từ khát vọng này, VNPT đã không ngừng vươn lên, đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền và nền kinh tế số tại Việt Nam, trong đó có đóng góp không nhỏ vào những thành công trên Cổng DVCQG thông qua hệ sinh thái tài chính số VNPT Money.
Thông qua VNPT Money, Tập đoàn VNPT cũng đang đồng hành cùng Chính phủ trong việc chinh phục mục tiêu đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%; hướng tới hầu hết các dịch vụ công phải được thực hiện theo phương thức “3 không”, gồm không giấy tờ-không tiền mặt-không văn phòng – một mục tiêu quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, tổ chức hôm 15/11 vừa qua.