Năm 2022, TP. HCM kêu gọi đầu tư 97 dự án với tổng số vốn 943.937 tỷ đồng. Tuy nhiên, các dự án này mới chỉ nêu tên, mức đầu tư, chứ chưa đủ điều kiện kêu gọi đầu tư.
Ngày 11/11, HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát đối với UBND TP.HCM về việc xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Hạ tầng giao thông là lĩnh vực TP.HCM kêu gọi đầu tư nhiều nhất trong danh mục 197 dự án |
Tại buổi giám sát, UBND TP.HCM báo cáo danh mục 197 dự án kêu gọi đầu tư năm 2022 với tổng mức đầu tư 943.937 tỷ đồng đang gặp rất nhiều vướng mắc nên chưa kêu gọi đầu tư được dự án nào.
Liên quan đến 197 dự án này, Phó Chủ tịch HĐND TP. HCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị các đơn vị của UBND TP.HCM giải trình rõ các vướng mắc cụ thể.
Nói rõ hơn về vướng mắc trong kêu gọi đầu tư 197 dự án, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, 197 dự án trong danh mục hiện nay mới chỉ có tên, quy mô, tổng mức vốn, vị trí địa điểm, diện tích... chứ chưa đủ điều kiện để tổ chức kêu gọi đầu tư.
“Với tình hình như vậy, kêu gọi đầu tư mà khi nhà đầu tư hỏi gì cũng kẹt, cũng không biết, thì về lâu dài nhà đầu tư cũng chán nản”, ông Hoan nêu vướng mắc.
Về nguyên nhân khiến 197 dự án chưa thể kêu gọi đầu tư, ông Hoan chỉ rõ 4 nguyên nhân:
Thứ nhất là, trong danh mục có cả dự án đầu tư công và dự án tư. Vì vậy cần làm rõ phương thức, chủ trương đầu tư, cần xác định rõ ràng dự án thuộc nhóm nào để áp dụng luật cho đúng. Việc chưa xác định được rõ loại dự án dẫn đến khó xác định nguồn lực đầu tư, và pháp lý áp dụng cho dự án.
Thứ hai là, dự án bị rối giữa quy hoạch cũ đang áp dụng và quy hoạch mới đang xây dựng. Nhiều nơi quy hoạch thì có nhưng hiện trạng sử dụng đất không còn như cũ.
Thứ ba là, chưa có đất sạch, muốn có đất sạch giao cho nhà đầu tư thì phải chi tiền để thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhưng khi đó, dự án trở thành đầu tư công do có vốn nhà nước tham gia vào.
Thứ tư là, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cần có tiêu chí rõ ràng cụ thể.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, khi đấu thầu nên khuyến khích nhà đầu tư đề xuất, thiết kế dự án thế nào cho hợp lý, đạt chuẩn, để nhà đầu tư khai thác hiệu quả. Điểm thuận lợi của dự án do tư nhân đầu tư là khi đã được duyệt phương án, nhà đầu tư sẽ chi vốn ra và làm dự án ngay, không cần xin ý kiến từng khâu như các dự án đầu tư công.
Nói thêm về hoạt động đầu tư, ông Hoan cho biết, chưa bao giờ có nhiều hoạt động hội thảo, xúc tiến đầu tư, nhiều đoàn khách quốc tế đến TP.HCM để nghiên cứu, chuẩn bị các dự án đầu tư vào Thành phố như trong năm 2022.
Theo baodautu.vn
https://baodautu.vn/tphcm-197-du-an-nam-tren-giay-chua-du-dieu-kien-keu-goi-dau-tu-d177660.html