- Ngày 17/11, Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) và Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn IEC đồng tổ chức Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2022 (VDF-2022) với chủ đề “Thúc đẩy Chuyển đổi số và Hiện đại hóa toàn diện ngành tài chính”.
Phát biểu tại hội thảo - triển lãm, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Đại Trí cho biết, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Toàn cảnh Hội thảo "Thúc đẩy Chuyển đổi số và Hiện đại hóa toàn diện ngành tài chính". |
Thuyết trình tại phiên toàn thể, ông Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết, trong ngành Tài chính, đặc biệt là trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tài chính như hải quan, thuế, kho bạc, chuyển đổi số là quá trình sử dụng kỹ thuật công nghệ số nhằm thay đổi phương thức hoạt động, tổ chức và vận hành để thích ứng và tận dụng công nghệ số, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính. Đối tượng của quá trình chuyển đổi số là cơ quan quản lý nhà nước và các quy trình quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính.
Thời gian qua, ngành Thuế đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ thuế điện tử, đã cung cấp 163 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực thuế, tích hợp 156 dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Dịch vụ thuế điện tử cho doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, thông suốt với trên 99% trong tổng số gần 850.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử.
Tổng cục Hải quan đã hoàn thành triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt gần 90%. Đến hết năm 2021, Kho bạc Nhà nước đã cơ bản hoàn thành xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực quản lý.
Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Kho bạc Nhà nước hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Trong khuôn khổ của Hội thảo - Triển lãm VDF-2022, các diễn giả, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin trong và ngoài nước tập trung trao đổi, thảo luận về hai chủ đề chính, gồm: Cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách nhà nước; Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, hải quan lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Đây là các kinh nghiệm hết sức quý báu để ngành tài chính có thể chủ động và tận dụng tốt các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch, hình thành hệ sinh thái tài chính số đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.
Đồng thời, góp phần đề xuất những quan điểm mới, những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá góp phần xây dựng hệ sinh thái tài chính số công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh các phiên hội thảo chuyên đề, Triển lãm VDF-2022 còn có các gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu các thành tựu mới nhất về chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.