- Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị trong Dự thảo Luật Đấu thầu bỏ quy định “Nhà thầu được chỉ định thầu không phải đáp ứng quy định “Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính …”... để tránh việc ưu đãi quá mức cho chỉ định thầu...
Sáng 7/11, sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Theo Báo cáo thẩm tra, sau 8 năm thực hiện, Luật Đấu thầu cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm công, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Báo cáo thẩm tra nêu rõ: Qua rà soát Ủy ban TCNS thấy rằng, Báo cáo tổng kết, Tờ trình và Báo cáo đánh giá tác động chưa bao quát toàn diện, sâu sắc và làm nổi bật những tồn tại, vướng mắc do quy định của luật, vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được quy định; vướng mắc do quá trình tổ chức thực hiện, những nội dung của luật còn phù hợp cần kế thừa; chưa đánh giá kỹ tác động của các chính sách sửa đổi, bổ sung, nhất là những chính sách mới như: mở rộng phạm vi áp dụng hình thức “chỉ định thầu”, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, các quy định mới về hủy thầu, đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà đầu, đấu thầu trước...
“Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, giải trình làm rõ và bổ sung thông tin đánh giá tác động bằng phân tích định lượng để bổ sung cơ sở dữ liệu, số liệu minh chứng những tác động sát thực để Đại biểu Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật.” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ.
Ủy ban TCNS đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo thống nhất, đồng bộ các nội dung của dự thảo Luật và giữa Luật Đấu thầu với các luật khác. Trong một số lĩnh vực cụ thể, cần xác định rõ nguyên nhân vướng mắc trong từng lĩnh vực (cụ thể trong lĩnh vực y tế), xác định rõ nguyên nhân do quy định của Luật Đấu thầu hiện hành hay do quy định tại Nghị định, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành (như quy định là giá lần sau phải thấp hơn giá lần trước theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế…) để quy định trong Luật phù hợp, một mặt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; mặt khác, phải bảo đảm hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ nguyên tắc các luật khác khi quy định những nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về đấu thầu phải tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định trong Luật Đấu thầu.
Ảnh minh họa |
Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, luật hóa các vấn đề đã được áp dụng ổn định, thống nhất vào dự thảo Luật, đảm bảo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật đã đề ra, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn để tăng tính công khai, minh bạch, khả thi, đảm bảo hiệu lực thi hành của luật, đồng thời làm căn cứ rõ ràng để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tránh tạo ra nhiều tầng nấc pháp luật trung gian.
Phạm vi điều chỉnh của Luật liên quan rất lớn đến khái niệm “vốn nhà nước” quy định tại khoản 32 Điều 4 của Dự thảo luật. Vì vậy, UBTC đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ, quy định về khái niệm “vốn nhà nước” bảo đảm đầy đủ, bao quát và thống nhất với quy định tại các luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, Luật Đối tác công tư…
Một số ý kiến đề nghị không đưa vào phạm vi điều chỉnh đối với nguồn thu dịch vụ do người dân tự nguyện chi trả của đơn vị sự nghiệp y tế do đây không phải là nguồn vốn nhà nước và để đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị.
Có ý kiến đề nghị, để phát huy quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, đề nghị quy định trong luật cho phép đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ được lựa chọn việc áp dụng hoặc không áp dụng quy định của Luật Đấu thầu.
Có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đấu thầu đối với đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vốn ngân sách nhà nước; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, phối hợp để quy định thống nhất giữa các luật, tránh “tạo khoảng trống”, vướng mắc, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu (Điều 6), Khoản 1 và khoản 2 Điều 6 của Dự thảo Luật quy định “Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính …” nhằm bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, ngay tại khoản 4 của Điều này quy định “Nhà thầu được chỉ định thầu không phải đáp ứng quy định tại các khoản 2 Điều này”. Ủy ban TCNS đề nghị cân nhắc, bỏ quy định tại khoản 4 Điều 6 để bảo đảm tính thống nhất, tránh việc ưu đãi quá mức cho chỉ định thầu, hạn chế tính công khai, minh bạch.
Về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu (Điều 10), đa số ý kiến Ủy ban TCNS thống nhất với những quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu quy định tại Điều 10 dự thảo Luật, trong đó bổ sung chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước.
Có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định đối với một số sản phẩm hàng hóa cụ thể, đặc thù, cần khuyến khích sản xuất trong nước; ngoài ra, đề nghị rà soát quy định cụ thể các ưu đãi, không quy định chung chung dẫn đến khó áp dụng trong thực tế hoặc tùy nghi áp dụng.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá và giải trình việc bỏ quy định ưu đãi đối với gói thầu cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên. Có ý kiến đề nghị bổ sung ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu đối với trường hợp “nhà thầu có sử dụng từ 25% người dân tộc thiểu số”. Có ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ quy định này, tránh vi phạm các Hiệp định, điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết.
Về đấu thầu quốc tế (Điều 11), Ủy ban TCNS đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về mua sắm tập trung theo hướng cho phép áp dụng các hình thức khác ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi, có thể lựa chọn nhiều nhà trúng thầu để tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.
Về bảo đảm dự thầu (Điều 14), Điểm a khoản 4 Điều 14 quy định: “Đối với lựa chọn nhà thầu, giá trị bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu theo một mức xác định từ 1% đến 3% giá gói thầu căn cứ quy mô và tính chất của từng gói thầu cụ thể”. Một số ý kiến cho rằng, bảo đảm dự thầu là một trong các điều kiện tiên quyết ràng buộc đối với các nhà thầu khi tham gia gói thầu. Trong khi đó mức đảm bảo dự thầu từ 1-3% sẽ dẫn đến chênh lệch lớn mang tính tùy thuộc ý chí bên mời thầu.
Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể mức bảo đảm dự thầu phù hợp với giá trị gói thầu để hạn chế tình trạng đặt ra mức bảo đảm dự thầu thấp và nhà thầu sau khi trúng thầu đã chấp nhận bỏ thầu khi thị thường có biến động.