- Theo Ủy ban TCNS, Dự thảo Luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”. Do vậy, đề nghị cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu...
Tại Dự thảo Luật Đấu thầu, liên quan đến các hành vi cấm trong hoạt động đấu thầu, đối với một số hành vi cụ thể quy định trong dự thảo Luật, tại Báo cáo Thẩm tra, Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ Luật hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn.
Có ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu để phù hợp với thực tiễn hơn.
Về quy định cấm hành vi cản trở, Ủy ban TCNS đề nghị quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu, vì trên thực tế việc cản trở quá trình đấu thầu thường xảy ra đa dạng, phức tạp, tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, hiệu quả của công tác đấu thầu. Đồng thời nên giao Chính phủ quy định chi tiết tại văn bản dưới luật về hành vi và chế tài đối với quy định này.
Về quy định cấm hành vi thông thầu, tại điểm c khoản 3 quy định “Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu …”, Ủy ban TCNS đề nghị quy định rõ nhà thầu, nhà đầu tư đã từng trúng thầu trước đây, vì trên thực tế, việc xác định nhà thầu, nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm là rất khó.
Về hủy thầu (Điều 17) và đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (Điều 18), Ủy ban TCNS cho rằng, đây là những vấn đề mới được đưa vào Luật nhưng rất phức tạp, cần đánh giá tổng kết thực tiễn, rà soát kỹ lưỡng để quy định bảo đảm khả thi.
“Trên thực tế, nhiều tình huống không thể hủy thầu, đình chỉ thầu (như các vấn đề liên quan yếu tố nước ngoài kiện ra tòa quốc tế, trọng tài quốc tế). Cần nghiên cứu, quy định rõ hơn về xử lý vi phạm, gắn trách nhiệm trong việc đền bù chi phí khi hủy thầu, đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo thống nhất với Bộ Luật Dân sự và các luật khác; Rà soát để quy định chặt chẽ, phù hợp đối với trường ợp có yếu tố nước ngoài.” – Báo cáo Thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban TCNS trình bày trước Quốc hội nêu rõ.
Một số ý kiến Ủy ban TCNS đề nghị quy định rõ xử lý trách nhiệm vi phạm hành chính, xử lý hình sự, cơ chế đến bù chi phí, nguồn tiền đền bù gắn với trách nhiệm cá nhân, tổ chức vi phạm; đồng thời, đưa nội dung này vào Điều 88. Xử lý vi phạm để đảm bảo tính đồng bộ của Luật.
Về các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (Chương II ), Ủy ban TCNS cho rằng, việc quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư như trong dự thảo Luật là cần thiết, song cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn.
Đối với đấu thầu hạn chế (Điều 20), dự thảo Luật quy định áp dụng hình thức này đối với “gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù”, đề nghị làm rõ nội hàm “yêu cầu cao và tính đặc thù”, để tránh tùy tiện và lạm dụng khi thực hiện. Việc quy định đấu thầu hạn chế cần được rà soát áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Đối với quy định về nội dung của đấu thầu hạn chế “… chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu…” là chưa rõ ràng, minh bạch (Luật PPP quy định cụ thể “có không quá 03 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án được mời tham dự”)
Đối với chỉ định thầu (Điều 21), dự thảo Luật quy định 10 trường hợp chỉ định thầu. Theo Ủy ban TCNS, Dự thảo Luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”.
Do vậy, đề nghị cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù, đó là Dự án cấp bách; Đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; Đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; Các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ.
"Đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu." - Báo cáo Thẩm tra của Quốc hội nêu rõ.
Có ý kiến đề nghị nên áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với những trường hợp mua sắm hàng hóa tương tự với đấu thầu với điều kiện như: Giá của hàng hóa mua sắm được định giá không thấp hơn giá đã trúng thầu trước đo; giá chỉ định thầu không cao hơn giá đã trúng thầu trước.
Có ý kiến nhất trí mở rộng các trường hợp chỉ định thầu nếu chứng minh hiệu quả hơn đấu thầu.