Theo Bộ Tài chính, việc quan trọng là công tác điều hành, phân bổ thực tế, không thể để xảy ra tình trạng xăng dầu tồn kho rất lớn song người dân vẫn gặp khó khăn khi mua...
Bộ Tài chính vừa tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khẩn trương thực thi ngay việc rà soát đánh giá việc thực hiện và báo cáo nội dung chi phí cụ thể mặt hàng xăng dầu.
Trước đó, ngày 11/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, trong đó yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu định kỳ trước ngày 20 hàng tháng rà soát phải tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu; chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; thực hiện ngay nhiệm vụ này để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11/2022.
Thực hiện yêu cầu này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khẩn trương rà soát đánh giá thực hiện và báo cáo chi tiết chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng (lưu ý: các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, hao hụt, giám định... không bao gồm VAT).
Thời kỳ thu thập số liệu báo cáo là từ 21/10 đến 14/11.
Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo trung thực về các chi phí tính giá xăng dầu |
Các báo cáo trên cần có so sánh, phân tích đánh giá so với kỳ báo cáo trước (1/6 đến 20/10); Đồng thời, đánh giá cụ thể về tính bất thường và tác động đến hoạt động kinh doanh của đơn vị, kiến nghị, đề xuất về cả hai bộ Tài chính - Công Thương trước 10 giờ sáng ngày 15/11.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp cung cấp tài liệu, đôn đốc các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo kịp thời, chính xác.
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo trung thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm toán sau này (nếu có) về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, số liệu báo cáo của đơn vị.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo hệ thống phân phối cung ứng đủ xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Trước đó, ngày 8/11, căn cứ vào số liệu về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam do 28 doanh nghiệp cung cấp. Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng chi phí này đối với một số mặt hàng xăng dầu. Cụ thể: đối với xăng E5Ron92 đã tăng 290đ/lít lên 640đ/lít và xăng E95 tăng thêm 560đ/lít lên mức 1.280đ/lít.
Qua theo dõi, Bộ Tài chính cho biết, chi phí định mức này đã cao hơn chi phí nhập khẩu thực tế của các lô xăng dầu gần đây.
Cụ thể, ngày 20/10/2022, Petrolimex nhập 01 lô Ron92 với chi phí là 359đ/lít (định mức là 640đ/lít); Ron95 là 819đ/lít (định mức là 1.280đ/lít).
Ngày 6/11, 1 lô cũng của Petrolimex về tới cảng có chi phí là 458đ/lít đối với Ron92 và 803đ/lít đối với Ron95, đều thấp hơn chi phí định mức Bộ Tài chính mới sửa đổi.
Bộ Tài chính cho biết, thị trường thế giới thời gian qua tăng giảm biến động liên tục, Bộ này đã chủ động yêu cầu các DN cung cấp thông tin để xem xét điều chỉnh. Số liệu mà Bộ Tài chính có để tính toán dựa trên số liệu thực tế mà DN nhập và kê khai tại cảng.
“Như vậy, chi phí định mức xăng dầu chỉ là một cấu phần trong điều hành cung ứng xăng dầu trong nước. Việc quan trọng là công tác điều hành, phân bổ thực tế, không thể để xảy ra tình trạng xăng dầu tồn kho rất lớn song người dân vẫn gặp khó khăn khi mua hay khu vực ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận đổ xăng bình thường trong khi nội thành thì khan hiếm” – Bộ Tài chính nhận định.
(ANTĐ)
https://www.anninhthudo.vn/bo-tai-chinh-de-nghi-bo-cong-thuong-va-cac-doanh-nghiep-ra-soat-chi-phi-trong-tinh-gia-xang-dau-post522719.antd