- Theo người đứng đầu tập đoàn dầu khí Nga Rosneft - ông Igor Sechin, kế hoạch của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm loại bỏ năng lượng của Nga có thể khiến nền kinh tế của khối này mất từ 6,5% đến 11,5% GDP và khiến 16 triệu người có nguy cơ mất việc làm.
Người đứng đầu tập đoàn dầu khí Nga Rosneft - ông Igor Sechin |
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Á-Âu Verona ngày hôm qua (27/10), ông Sechin nói rằng các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế EU như công nghiệp luyện kim, hóa chất, bột giấy và giấy cũng như nông nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng.
Khả năng sụt giảm trong ngành công nghiệp hóa chất có thể lên tới 20-45%, trong khi sản lượng luyện kim được cho là sẽ giảm mạnh 30-60%, vì đây là một trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Theo ông Sechin, châu Âu đã ngừng 70% công suất sản xuất phân đạm và giảm 25% sản lượng nhôm.
Trong khi Washington đang duy trì “quyền bá chủ của mình bằng mọi giá” thì Châu Âu nổi lên là “nạn nhân chính của chính sách của Mỹ”, vì họ đã mất khả năng đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, vị quan chức của Nga cho biết đồng thời đề cập đến kế hoạch của giới chức phương Tây trong việc áp đặt giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga.
“Áp đặt một mức giá trần là một cuộc tấn công không chỉ vào các nguyên tắc cơ bản của thị trường mà còn vào các nguyên tắc cơ bản của chủ quyền. Trên thực tế, ý tưởng đó là xóa bỏ quyền chủ quyền của các quốc gia đối với tài nguyên của họ”, CEO của tập đoàn Rosneft nhấn mạnh.
Đồng thời, không có hạn chế nào được áp dụng đối với Mỹ, nơi giá khí đốt thấp hơn từ 5 đến 6 lần so với EU, ông Sechin nói thêm.