- Dù vẫn thực hiện hoạt động bán tài sản nhưng năm 2021, Bamboo Airways phải gánh khoản lỗ 2.281 tỷ. Đáng chú ý hơn, 10.000 tỷ đồng đã được chuyển ra khỏi công ty nhờ hoạt động cho vay.
Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) là hãng hàng không non trẻ nhất hiện nay ở Việt Nam. Năm 2020, thời điểm Covid-19 “tàn phá” ngành hàng không, Bamboo Airways gây ấn tượng khi báo lãi lên đến 311 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lãi này lại đến từ hoạt động bán tài sản.
Sang năm 2021, Bamboo Airways tiếp tục bán tài sản nhưng không thể bù đắp được cho phần doanh thu thụt lùi nên công ty báo lỗ kỷ lục. Song, đáng chú ý hơn cả là dòng tiền khổng lồ lên đến hơn 10.000 tỷ đồng đã được chuyển ra khỏi công ty.
Lỗ 2.281 tỷ năm 2021
Năm 2021, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu 3.557 tỷ đồng, giảm 492 tỷ đồng, tương đương 12,2% so với năm 2020. Do giá vốn hàng bán cao vượt trội, Bamboo Airways lỗ gộp 4.061 tỷ đồng.
Trong năm, ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 178 tỷ đồng xuống 158 tỷ đồng, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều tăng đáng kể, lần lượt đạt 298 tỷ đồng và 314 tỷ đồng.
Do doanh thu hoạt động tài chính dù giảm sâu nhưng vẫn đứng ở mức rất cao 2.571 tỷ đồng nên lỗ sau thuế của Bamboo Airways giảm xuống còn 2.281 tỷ đồng.
Kể từ khi thành lập năm 2017 đến nay, đây là năm đầu tiên Bamboo Airways thua lỗ. Trước đó, công ty lãi 8,8 tỷ đồng (năm 2017), 2,2 tỷ đồng (năm 2018), 242 tỷ đồng (năm 2019) và 311 tỷ đồng (năm 2020).
Trong năm 2021, Bamboo Airways tăng vốn từ 7.000 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2021, Bamboo Airways gánh khoản lỗ lũy kế 1.718 tỷ đồng khiến công ty không duy trì được 18.500 tỷ đồng vốn của nhà đầu tư. Vốn chủ sở hữu đã giảm xuống chỉ còn 16.783 tỷ đồng.
Bamboo Airways: Lỗ 2.281 tỷ năm 2021, 10.000 tỷ được chuyển ra khỏi công ty |
10.000 tỷ đã được chuyển ra khỏi công ty, dòng tiền âm nặng
Lỗ 2.281 tỷ đồng và mạnh tay tăng vốn trong năm 2021 là những “bước ngoặt” của Bamboo Airways nhưng điểm nhấn quan trọng lại chính là việc hơn 10.000 tỷ đồng đã được chuyển ra khỏi công ty.
Tại thời điểm 31/12/2021, Bamboo Airways ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 10.181 tỷ đồng, tăng 5.095 tỷ đồng, tương đương 100% so với năm 2020; các khoản phải thu dài hạn tăng từ 5.903 tỷ đồng lên 6.273 tỷ đồng.
Trong đó, phải thu về cho vay ngắn hạn là con số rất lớn 9.538 tỷ đồng, chiếm 95,2% tổng các khoản phải thu ngắn hạn và tăng 7.130 tỷ đồng, tương đương 296%; phải thu về cho vay dài hạn là 473 tỷ đồng.
Như vậy, phải thu về cho vay của Bamboo Airways lên tới 10.011 tỷ đồng, chiếm 37,3% tổng tài sản của công ty.
Ngoài ra, Bamboo Airways còn có khoản phải thu dài hạn khác lên đến 5.800 tỷ đồng.
Không chỉ có vậy, năm 2021, bất chấp khó khăn về dòng tiền do đại dịch Covid-19 gây ra, Bamboo Airways vẫn chi 6.310 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó có tới 6.309 tỷ đồng là đầu tư chứng khoán.
Do dòng vốn quá lớn đã được chuyển ra khỏi Bamboo Airways nên công ty rơi vào tình trạng âm nặng dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways âm 621 tỷ đồng dù năm ngoái là 510 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 6.128 tỷ đồng.
Dòng tiền chuyển sang loạt công ty thua lỗ, âm vốn
Về cho vay ngắn hạn, Bamboo Airways cho 20 công ty vay số tiền 9.538 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tại 3 công ty trên ngàn tỷ. Đó là Công ty cổ phần đầu tư thương mại và Phát triển dịch vụ Phúc Thịnh (1.788 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển An Thịnh Đạt (1.299 tỷ đồng) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển IMR (1.181 tỷ đồng).
Trong 3 đơn vị này, ngoại trừ An Thịnh Đạt kinh doanh có lãi, Phúc Thịnh và IMR có bức tranh tài chính bết bát.
Phúc Thịnh đã có nhiều năm thua lỗ liên tiếp với các khoản lỗ 54,6 tỷ đồng (năm 2020), 76,8 tỷ đồng (năm 2019), 92,4 tỷ đồng (năm 2018), 93,1 tỷ đồng (năm 2017) và 4,1 tỷ đồng (năm 2016). Tại thời điểm cuối năm 2020, công ty âm vốn chủ sở hữu 313 tỷ đồng.
Trong khi đó, IMR thành lập năm 2017 nhưng tính đến năm 2020, công ty chưa có lợi nhuận. Từ 2018 đến 2020, IMR thua lỗ 52,7 tỷ đồng, 132 tỷ đồng và 133 tỷ đồng. Tới cuối năm 2020, IMR âm vốn 359 tỷ đồng.
Năm 2021, Bamboo Airways chi 6.309 tỷ đồng cho đầu tư chứng khoán. Chứng khoán kinh doanh của Công ty bao gồm các khoản đầu tư mua cổ phần và do các cổ đông góp vốn. Cổ phiếu của các công ty này chưa được đăng ký đại chúng, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Giá giao dịch chuyển nhượng cổ phần do các bên tự thỏa thuận trên cơ sở tham khảo chứng thư thẩm định giá do các đơn vị thẩm định giá độc lập cung cấp.
“Hội đồng quản trị và Ban Tổng Giám đốc cam kết việc đầu tư vào chứng khoán kinh doanh phục vụ mục đích tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, đồng thời đảm bảo hiệu quả tài chính của các giao dịch đầu tư chứng khoán trong năm. Trên cơ sở giá các cổ phiếu nêu trên được đơn vị thẩm định giá độc lập định giá tại thời điểm 31/12/2021, Hội đồng quản trị và Ban Tổng Giám đốc đánh giá không có bất kỳ rủi ro nào từ hoạt động đầu tư chứng khoán kinh doanh của doanh nghiệp nên không có khoản dự phòng nào cần trích lập tại thời điểm lập Báo cáo tài chính này”, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết.
Các đơn vị mà Bamboo Airways đầu tư vào là Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản FAM, Công ty cổ phần FLC Travel, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình Sơn, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh bất động sản An Cường, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Châu Thuận, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Định Tân.