- Việc Việt Nam được nâng xếp hạng tín nhiệm, giúp huy động được các nguồn vốn cả trực tiếp và gián tiếp từ khu vực bên ngoài vào trong nước sẽ tốt hơn.
Ngày 6/9/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.
Chia sẻ về việc Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam, ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính cho biết, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhằm đưa ra đánh giá của các nhà đầu tư quốc tế cũng như người cho vay về khả năng trả nợ của quốc gia đó tốt hay không. Vì vậy, việc Việt Nam được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm đồng nghĩa với việc chúng ta được tổ chức này đánh giá tốt hơn so với trước đây, chi phí đi vay sẽ giảm đi bao gồm cả khu vực nhà nước và khu vực của doanh nghiệp.
Đối với khu vực nhà nước, việc xếp hạng tín nhiệm đồng nghĩa với việc chúng ta đi huy động vốn bên ngoài sẽ rẻ hơn, kéo theo các doanh nghiệp dựa trên mức sàn của chính phủ cũng huy động được rẻ hơn, và các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào các khu vực của nền kinh tế nhiều hơn.
Cũng theo ông Trương Hùng Long, khi các quốc gia đánh giá chúng ta ở mức tín nhiệm cao hơn, thì sẽ sẵn sàng đầu tư vốn vào mình với sự tin tưởng là khả năng mất vốn sẽ thấp đi, nên sẽ tập trung vốn vào nhiều hơn với chi phí rẻ hơn. Vì vậy, việc Việt Nam được nâng xếp hạng tín nhiệm giúp huy động được các nguồn vốn cả trực tiếp và gián tiếp từ khu vực bên ngoài vào trong nước sẽ tốt hơn.
Trả lời câu hỏi đâu là sự thay đổi đáng chú ý của Việt Nam để được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn từ mức Ba3 lên mức Ba2, ông Trương Hùng Long, có hai yếu tố quan trọng trong việc Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2.
Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại |
Thứ nhất là, sức mạnh kinh tế thể hiện ở khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và khả năng chống chọi của nền kinh tế trước cú sốc từ bên ngoài của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua tốt hơn hẳn các nước đồng hạng.
Thứ hai là, nền tảng về chính sách tài khóa, chúng ta đã thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, bội chi được giảm xuống, nợ công được kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu nợ công hiệu quả, chi phí đi vay đang thấp xuống, chúng ta cũng đang chuyển dần từ vay nước ngoài là chính sang vay trong nước là chính.
Đó là những yếu tố cơ bản để Moody’s đánh giá trong thời gian vừa qua và nâng xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam.
Theo ông Trương Hùng Long, có hai yếu tố chúng ta sẽ phải quan tâm và làm tốt hơn, đó là sức mạnh về thể chế, quản trị và các cải cách của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để giảm thiểu rủi ro có thể có.
Đối với nghĩa vụ sức mạnh về thể chế và quản trị thể hiện ở tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách và thực thi chính sách, thể hiện ở việc công bố công khai kịp thời và đầy đủ các chỉ số về quản trị.
Đối với cải cách khu vực ngân hàng thì phải nâng cao hiệu quả của thực thi chính sách tiền tệ, tăng khả năng giám sát khu vực ngân hàng và kiểm soát các chất lượng tài sản.
Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước còn đang hiện hữu tỷ lệ tương đối lớn. Việc kiểm soát đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước và giảm thiểu nghĩa vụ nợ dự phòng từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đối với nghĩa vụ của ngân sách sẽ là việc chúng ta phải quan tâm trong dài hạn.
“Việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ nay đến 2030, Chính phủ đã có một đề án để từng bước tiến tới xếp hạng đầu tư của năm 2030. Tôi cho rằng với nền tảng về kinh tế như hiện nay, cùng với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như với các lộ trình đã được định hình, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu xếp hạng đầu tư”, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chia sẻ.
Yến Nhi