- Liên quan đến những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các Bộ, ngành, địa phương liên quan trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, khẩn trương xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với những vấn đề có thể giải quyết ngay theo thẩm quyền...
Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 251/TB-VPCP ngày 19/8/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc, đối thoại với Đại sứ quán Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Thông báo nêu rõ: Sau khi nghe Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan, địa phương phát biểu, về các đề xuất, kiến nghị của Đại sứ quán Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nêu tại cuộc Đối thoại, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương liên quan trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, khẩn trương xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với những vấn đề có thể giải quyết ngay theo thẩm quyền.
Đối với những vấn đề phức tạp, chưa giải quyết được ngay thì khẩn trương nghiên cứu, đưa ra phương hướng, giải quyết với lộ trình cụ thể để xử lý kịp thời, hiệu quả với tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sẻ, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/8/2022 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động tìm giải pháp đa dạng hóa các sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa sang thị trường Hàn Quốc trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc thúc đẩy thông qua các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của Đại sứ quán và các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, gửi các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện; đồng thời thường xuyên đôn đốc, cập nhật tình hình giải quyết các đề xuất, kiến nghị này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 10/2022.
Trước đó, tại cuộc đối thoại của Thủ tướng với các doanh nghiệp Hàn Quốc, các kiến nghị tập trung vào các vấn đề như ưu đãi thuế; quy hoạch điện, cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp; cơ chế khuyến khích đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo và chiến lược, giải pháp để xây dựng và phát triển ngành xe điện; các biện pháp ứng phó với dịch bệnh thời gian tới; thủ tục liên quan giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng; thủ tục cấp phép lao động nước ngoài, đào tạo nhân lực, tuyển dụng nhân sự; thủ tục nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn đã qua sử dụng; việc phân phối bán các bản ghi âm, ghi hình tại Việt Nam và các hạn chế về đầu tư nước ngoài đối với ngành công nghiệp văn hóa; thủ tục đánh giá tác động môi trường; tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… và các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai một số dự án cụ thể.
Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ). Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hai chiều đạt 78 tỷ USD (gấp hơn 150 lần năm 1992), chiếm 11,6% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam. Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, hiện đang đầu tư ở 19/21 ngành kinh tế và 59/63 tỉnh, thành phố với 9.383 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 80 tỷ USD. 7 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc đứng thứ 2/72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 3,3 tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã tiến hành đầu tư tại Việt Nam như: Samsung, LG, Hyosung, Hanwha, Hyundai, Tập đoàn CJ, Lotte... Riêng Tổ hợp Samsung điện tử Việt Nam có tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD, thu hút trên 125 nghìn lao động, chiếm 0,8% tổng lao động làm việc trong DN cả nước. Trong năm 2021, Samsung điện tử Việt Nam tạo ra 1,7 triệu tỷ đồng doanh thu; chiếm tỷ trọng 13,6% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.