- Trên khắp châu Âu, những dấu hiệu của sự khó khăn, âu lo đang tăng lên khi cuộc chiến Ukraine tiếp tục kéo dài. Các ngân hàng lương thực ở Italia đang phải cung cấp lương thực thêm cho nhiều người. Giới chức Đức từ chối cho bật điều hòa bởi họ phải chuẩn bị kế hoạch để phân chia nguồn khí đốt và khởi động lại các nhà máy than.
![]() |
Ngành tiện ích đang đề nghị được trợ giúp và nhiều khó khăn hơn nữa có thể sẽ đến. Các công ty về sữa đang tự hỏi liệu họ sẽ tiệt trùng sữa như thế nào. Đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua so với đồng đô la Mỹ và các dự đoán về suy thoái đang tăng lên.
Những diễn biến trên là dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu và làm tăng khả năng đẩy Châu Âu vào suy thoái khi mà nền kinh tế đang cần hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, giá năng lượng tăng cao gây ra từ cuộc chiến ở Ukraine đang làm lợi cho Nga - một nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn. Ngoài ra, với một ngân hàng trung ương nhanh nhẹn và nhiều năm kinh nghiệm sống chung với các biện pháp trừng phạt, Nga đã ổn định được đồng rúp và tỉ lệ lạm phát bất chấp việc nước này bị cô lập về kinh tế.
Tuy nhiên, về lâu về dài, các nhà kinh tế cho rằng Nga bây giờ có thể tránh được một sự sụp đổ hoàn toàn nhưng sẽ phải trả giá đắt cho cuộc chiến ở Ukraine. Cụ thể, sự trì trệ của nền kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn do mất đi các khoản đầu tư và thu nhập của người dân thấp đi.
Thách thức cấp bách nhất của Châu Âu là ngắn hạn hơn: đối phó với tỉ lệ lạm phát kỷ lục là 8,6% và trải qua một mùa đông với tình trạng nguồn năng lượng thiếu hụt. Châu Âu phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga và giá cả năng lượng tăng cao đang ảnh hưởng khắp các nhà máy, đến giá lương thực và nguồn cung cấp nhiên liệu.
Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép và nông nghiệp đang phải đối mặt với sự bất ổn.
Molkerei Berchtesgadener Land - một hợp tác xã chuyên về các sản phẩm sữa ở thành phố Piding bên ngoài Munich của Đức đã dự trữ 200.000 lít nhiên liệu để họ có thể đủ điện cho hoạt động thanh trùng sữa và giữ lạnh sữa nếu điện hoặc khí đốt bị cắt đứt. Việc này vô cùng quan trọng cho 1.800 nông dân sở hữu 50.000 con bò. Molkerei Berchtesgadener Land sản xuất 1 triệu lít sữa mỗi ngày
Ảnh hưởng về kinh tế cũng xuất hiện trên các bàn ăn. Các nhóm tiêu dùng ước tính một gia đình Italia bình thường chi nhiều hơn 681 euro trong năm nay cho việc ăn uống.
“Chúng tôi đang thực sự lo lắng về tình trạng liên tiếp gia tăng số gia đình chúng tôi phải trợ giúp”, ông Dario Boggio Marzet – người đứng đần Ngân hàng Lương thực Lombardy cho biết.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết chính phủ nước này hướng tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng bằng cách tắt đèn công cộng và áp dụng các bước đi khác. Tương tự, giới chức Đức đang kêu gọi người dân và doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, dùng ít điều hòa và lò sưởi hơn ở các tòa nhà công cộng.
Trong khi Châu Âu đang phải hứng chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến Ukraine và cuộc đối đầu với Nga thì Moscow ổn định được tỉ giá đồng rúp, thị trường chứng khoán và lạm phát thông qua sự can thiệp của chính phủ. Ngành dầu mỏ của Nga đang tìm kiếm nhiều khách hàng hơn từ Châu Á dù phải giảm giá khi khách hàng phương Tây rút đi.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng bức tranh trên không phản ánh tương lai lâu dài cho nước Nga. Họ cho rằng, trong dài hạn, Nga sẽ phải hứng chịu sự sự trì trệ của nền kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp cao do nhiều người mất việc ở các ngành có đầu tư nước ngoài rút đi.
Các quy định ngăn chặn tiền rời khỏi đất nước và buộc các nhà xuất khẩu phải giao dịch mua bán dầu mỏ và khí đốt bằng đồng rúp đã khiến tỉ giá hối đoái của Nga không đúng thực chất.
Và tỉ lệ lạm phát “đã mất đi một phần ý nghĩa”, Janis Kluge - một chuyên gia về kinh tế Nga ở Viện Các Vấn đề An ninh và Quốc tế của Đức, đã bình luận như vậy. Đó là bởi vì tỉ lệ lạm phát này chưa tính đến sự biến mất của các hàng hóa phương Tây trên thị trường Nga và tỉ lệ lạm phát thấp hơn có thể phản ánh nhu cầu đang giảm đi.
Khoảng 2,8 triệu người Nga được thuê làm việc bởi các công ty nước ngoài hoặc là liên danh trong năm 2020. Nếu tính cả các nhà cung cấp thì có đến 5 triệu việc làm, chiếm 12% lực lượng lao động, phụ thuộc vào các nguồn đầu tư nước ngoài.
Các công ty nước ngoài có thể tìm những ông chủ Nga và chế độ bảo hộ cũng như một loạt việc làm thay thế trong chính phủ sẽ ngăn chặn tình trạng thất nghiệp lan tràn. Nhưng nền kinh tế sẽ trở nên kém hiệu quả hơn nhiều, nhà phân tích Kluge nhận định. Và điều đó “sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về thu nhập trung bình” của người dân Nga.