- Mặc dù Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020 tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.
Tại Hội thảo "Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bình thường mới" diễn ra theo hình thức trực tuyến, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển mình hướng tới nền kinh tế số để phục vụ việc thu thập thông tin, giao dịch, kết nối xuyên biên giới. Hơn hết, hoạt động thương mại xuyên biên giới đang trở thành nhân tố cốt lõi trên toàn cầu.
Thị trường thương mại điện tử vì thế ngày càng mở rộng, mặc dù Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020 tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thương mại điện tử hiện đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Báo cáo cũng ghi nhận có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy, người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên Internet. Nhiều doanh nghiệp đã và đang nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy doanh số, bù đắp lại quãng thời gian "đóng băng" trước đó.
![]() |
Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh thương mại điện tử là trợ lực không thể thiếu cho doanh nghiệp để bứt phá, tìm đường ra biển lớn, thương mại điện tử mở cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu và kết nối trực tiếp với các sàn giao dịch, để hiện thực hóa các ý tưởng và kế hoạch kinh doanh dựa trên mục tiêu chuyển đổi số.
Theo ông Mark Birnbaum, đại diện Dự án IPSC, dịch Covid-19 đã cho thấy, một trong những chìa khóa để thích nghi và phát triển trong môi trường đầy thách thức này là ứng dụng kỹ thuật số nhiều hơn. Các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển có thể quản lý các kênh thương mại trực tuyến đã chứng tỏ mình có khả năng phục hồi tốt hơn, được đo bằng khả năng hoạt động của họ thông qua những giai đoạn gián đoạn hoạt động kinh tế vì Covid-19.
Cũng theo ông Mark Birnbaum, Việt Nam có tiềm năng mạnh mẽ để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số với 50% dân số đang sử dụng thương mại điện tử. Việt Nam được dự báo sẽ trở thành thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026 và tăng trưởng gấp 4 lần giá trị vào năm 2021. Tuy nhiên, với hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực kinh tế tư nhân phải đối mặt với rất nhiều thách thức để nắm bắt cơ hội thương mại điện tử thành công. Những thách thức nổi bật nhất là kiến thức và kỹ năng của các doanh nghiệp còn hạn chế, sử dụng và quản trị trang web cũng như các nền tảng thương mại điện tử, phát triển sản phẩm, quản lý dữ liệu, tiếp thị kỹ thuật số, hậu cần và thanh toán điện tử... còn chưa tốt. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu vốn đầu tư và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để đạt tới mô hình kinh doanh đầy đủ.
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, đã cung cấp những thông tin về thực trạng thương mại điện tử tại Việt Nam và cơ hội cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới. “Dù đối mặt với nhiều thách thức bởi Covid-19, các doanh nghiệp áp dụng được chuyển đổi số vẫn có cơ hội riêng”, bà Hà nhấn mạnh.
Chứng minh cho bức tranh lạc quan từ thương mại điện tử, bà Hà dẫn kết quả của một cuộc điều tra tại 47 quốc gia từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021 cho thấy, tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch, khoảng 14,9%, so với trước thời điểm đó (năm 2019) là 10,3%.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện sàn thương mại điện tử Tiki, bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh Khu vực Hà Nội chia sẻ, về những bài học đúc kết cho doanh nghiệp mới tiếp cận và đang tăng trưởng trên sàn thương mại điện tử trong mô hình kinh doanh B2B, B2C.
Theo bà Thư, doanh nghiệp nên kinh doanh đa sàn, tận dụng tiềm năng doanh nghiệp và tối ưu hoá từ lợi thế mỗi sàn. Với doanh nghiệp mới lên sàn, cần hiểu rõ đối thủ, phân tích thị trường, xây dựng chiến lược dài hạn, tiếp theo là kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm, tư vấn và chăm sóc sau bán hàng…
Minh Ngọc